Cụ thể, VietABank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện 21,35%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21,35 cổ phiếu mới. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/01/2022.
Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của VietABank đã đại hội cổ đông thường niên 2021 thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mới đây. Theo đó, VietABank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 950 tỷ đồng thông qua trả cổ tức 2020, nâng tổng vốn điều lệ 4.450 tỷ đồng lên gần 5.400 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị VietABank cho biết, số vốn tăng thêm sẽ được dùng để phục vụ cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư của ngân hàng. Ngoài ra, nguồn vốn thu về giúp nâng cao năng lực tài chính, quy mô và chất lượng tài sản, tăng cường khả năng đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng và nâng cấp mạng lưới hoạt động theo chiến lược của ngân hàng.
Theo cơ cấu cổ đông của ngân hàng, tính đến ngày 30/06/2021 có khoảng 20,91% là tổ chức và ban lãnh đạo chiếm khoảng 5,56%. Trong khi đó, ông Phương Hữu Việt, cựu chủ tịch và hiện là thành viên Hội đồng quản trị VietABank có sở hữu lớn nhất với 20,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,55% vốn điều lệ của Việt Á.
Với tỷ lệ này, ông Việt dự kiến nhận được 4,3 triệu cổ phiếu VAB trong lần chia cổ tức này, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 24,5 triệu đơn vị.
VietABank hiện thuộc nhóm ngân hàng có vốn điều lệ thấp hệ thống, chỉ đứng trên NCB, VietCapital Bank, Kienlongbank, Saigonbank và PGBank.
Đến nay, VietABank chưa công bố kết quả cả năm 2021. Còn về kết quả kinh doanh trong quý III/2021, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 126 tỷ đồng, tăng 590% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, lợi nhuận của ngân hàng này tăng vọt không đến từ hoạt động kinh doanh khởi sắc mà nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro.
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro trong quý III của VietABank ở mức 140 tỷ đồng, thấp hơn 70% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động chỉ đạt 422 tỷ đồng, giảm gần 35%.
Mảng tín dụng, cũng là nguồn thu nhập chính của VietABank, không mấy khả quan trong quý III khi chỉ thu về 351 tỷ đồng lãi thuần, giảm 37% so với quý III/2020. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận mức giảm mạnh trên 60%.
Còn mảng dịch vụ và chứng khoán kinh doanh tuy đã thoát lỗ, song chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập hoạt động chung.Ở mặt tích cực, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đã đem về cho ngân hàng 30,2 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 522 tỷ đồng, tăng 212,2% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 80% kế hoạch năm.
Trên thị trường, cổ phiếu VAB của VietABank không có biến động nhiều chỉ giao dịch quanh 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu và kết phiên 17/1, cổ phiếu VAB giảm 2,78% xuống mức 17.500 đồng.