| ||
Thiếu tướng Dương Văn Tính, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Viettel |
Được biết, Viettel đang phục vụ hơn 60 triệu khách hàng tại 6 thị trường ở 3 châu lục. Thời gian tới, Tập đoàn có dự định đầu tư sang thị trường nước ngoài nào khác nữa không, thưa ông?
Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2015, Viettel sẽ có mặt ở 10 - 15 quốc gia.
Những quốc gia đã và đang được nghiên cứu là Myanmar, Kenya, Venezuela, Tazania, Burkina Faso, Argentina, Cuba, swaziland. Kết quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nên chưa thể nói trước được.
Thưa ông, vì sao Viettel mới tập trung đầu tư vào các nước đang phát triển, mà dường như ít chú trọng các nước phát triển?
Nếu có cơ hội, chúng tôi không ngại đầu tư vào các nước phát triển. Tuy nhiên, các thị trường này đã bão hoà và không còn tài nguyên tần số cấp mới. Cách tiếp cận các thị trường này là tìm cơ hội mua lại các công ty đang hoạt động. Việc này không đơn giản vì các công ty này không muốn bán, hoặc có bán thì với giá rất đắt. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp xúc tìm hiểu tại một số nước thuộc khối này.
Cách thức đầu tư của Viettel có gì khác biệt so với các nhà đầu tư viễn thông khác ở nước ngoài, thưa ông?
Tại mỗi quốc gia, chúng tôi đều phải tìm hiểu văn hóa, tập quán sinh hoạt, kinh doanh của dân bản địa. Vì vậy, chúng tôi không có một công thức đầu tư chung nào. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp thành công tại một thị trường cạnh tranh gay gắt, chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm.
Thứ nhất, hạ tầng mạng lưới phải rộng và sâu. Tại các quốc gia mà Viettel đã đầu tư, ngay tại thời điểm khai trương, Viettel đều có hạ tầng lớn nhất và bền vững nhất. Trong khi các doanh nghiệp khác chỉ đầu tư ở các thành phố lớn, nơi đông dân, thì chúng tôi phủ sóng 80 - 95% dân số ngay tại thời điểm khai trương. Trong khi các doanh nghiệp khác dùng truyền dẫn viba để vừa triển khai nhanh, vừa rẻ, thì chúng tôi triển khai bằng cáp quang.
Thứ hai là kích thích niềm tự hào của người sở tại và chuyển giao công nghệ cho người bản xứ. Ở các nước mà Viettel đã đầu tư một vài năm, tỷ lệ người Việt Nam chỉ còn 5%, chúng tôi chuyển giao cho người sở tại quản lý và điều hành và chỉ giữ các vị trí chủ chốt của người Việt Nam. Bằng cách này, người sở tại coi đó là công ty của mình, nên chăm sóc và tận tụy với công việc.
Thứ ba là gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Đầu tư nước ngoài muốn thành công thì phải chiếm được tình cảm của nhân dân, của xã hội nước sở tại. Các chương trình xã hội của Viettel luôn được đánh giá cao và nhận được nhiều tình cảm của người dân các nước đến đầu tư. Các chương trình này đều hướng đến thế hệ trẻ, giáo dục, y tế, người nghèo.
Kế hoạch đầu tư của Viettel tại Myanmar đã tiến triển đến đâu, thưa ông?
Viettel có văn phòng đại diện tại Myanmar, cán bộ Viettel tại đất nước này có nhiệm vụ tìm hiểu các mặt về kinh tế, thị trường, văn hoá, đặc điểm của Myanmar, xây dựng và nộp hồ sơ sơ tuyển. Viettel đã vượt qua hơn 80 đối thủ, trong đó có nhiều nhà mạng viễn thông lớn của thế giới, để lọt vào top 12 nhà thầu tham dự vòng trong. Dự kiến nộp hồ sơ dự thầu vào ngày 3/6/2013 và đến ngày 27/6/2013, Ban tổ chức sẽ công bố nhà mạng thắng thầu.
Thưa ông, doanh thu từ dịch vụ viễn thông tại nước ngoài của Viettel năm 2012 đạt bao nhiêu và dự kiến tăng trưởng trong năm nay như thế nào?
Trong năm 2012, tổng doanh thu của Tập đoàn là 141.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của thị trường nước ngoài là 15.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Doanh thu viễn thông nước ngoài dự kiến năm 2013 sẽ là 25.000 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2012.
Thanh Tùng