Ông Cao Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư của Vinatex cho biết, các dự án đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2017 không nằm đơn lẻ, mà được đầu tư căn cứ vào tính toán giữa các đơn vị trong Tập đoàn trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết, nhằm tạo động lực hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
Năm 2015, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 28 - 28,5 tỷ USD. Ảnh: Đức Thanh |
Cụ thể, đó là Chuỗi liên kết Dệt kim Hanosimex - Đông Xuân tại khu vực Hưng Yên - Nam Định; Chuỗi liên kết vải dệt thoi Nam Định, Chuỗi liên kết vải dệt thoi tại miền Trung, Chuỗi liên kết dệt kim phía Nam và Chuỗi liên kết dệt thoi phía Nam. Khoản vốn đầu tư trong 2 năm 2015 - 2016, với 18 dự án thượng nguồn (sợi, vải dệt kim, vải dệt thoi) dự kiến lên tới 9.000 tỷ đồng.
Đơn cử, Công ty cổ phần Dệt kim Vinatex là nhà máy dệt kim thuộc Công ty TNHH một thành viên Dệt 8/3, được xây dựng tại Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) hiện có công suất 3.000 tấn vải dệt kim/năm, trong đó 70% xuất khẩu và 30% cung ứng cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, với dự án đầu tư mở rộng trong năm nay, nâng công suất lên gấp đôi (khoảng 6.000 tấn/năm), đây sẽ trở thành địa chỉ cung cấp vải dệt kim cho các doanh nghiệp trực thuộc Vinatex ở phía Bắc, giúp các doanh nghiệp chủ động mua vải trong nước, giảm dần nhập khẩu.
Việc đầu tư các dự án sản xuất vải sẽ được bố trí tại nhiều khu công nghiệp ở miền Bắc và miền Trung. Chẳng hạn, tại Khu công nghiệp Phố Nối B (Hưng Yên) sẽ đầu tư dự án sản xuất vải dệt thoi công suất 25 triệu mét/năm, mở rộng nhà máy dệt kim hiện có (3.000 - 5.000 tấn/năm) và đầu tư thêm nhà máy sợi công suất 5.800 tấn/năm.
Tại Khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định) sẽ đầu tư nhà máy sản xuất vải dệt thoi 20 triệu mét/năm, vải yarn dyed 10 triệu mét/năm, 3 nhà máy sợi với tổng công suất trên 12.000 tấn/năm. Tại Khu công nghiệp Nam Đàn (Nghệ An) và Khu công nghiệp Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Vinatex sẽ đầu tư nhà máy dệt kim công suất 3.000 tấn/năm và nhà máy sợi công suất 4.000 tấn/năm.
Với các dự án đầu tư kể trên, đến cuối năm 2016, tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ dự kiến tăng thêm trên 100 triệu mét, tăng 40% so với năng lực hiện tại của Vinatex; vải dệt kim tăng thêm 20.000 tấn/năm, tăng gấp đôi so với mức hiện nay); sợi các loại tăng thêm 29.000 tấn/năm, tăng 25% so với năng lực hiện tại.
“Nếu các dự án đầu tư giai đoạn 2015 - 2016 về đích đúng theo kế hoạch đề ra, thì từ năm 2017, Vinatex có thể chủ động được trên 55% nguyên liệu vải các loại trong chuỗi doanh nghiệp của mình”, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinatex cho biết.
Năm 2014, xuất khẩu các sản phẩm xơ, sợi, vải của Việt Nam đạt 3 tỷ USD, trong đó, xơ và sợi chiếm 2,6 tỷ USD. Đạt được kết quả này là nhờ việc mở rộng đầu tư trong những năm qua của ngành dệt may. Nhờ vậy, chuỗi cung ứng được hoàn thiện, nhất là trong sản phẩm dệt kim, làm tăng tỷ lệ nội địa hóa và tăng giá trị gia tăng.
Năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may (bông, xơ, sợi, vải...) ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2013. Trong đó, nhập khẩu bông đạt 743.000 tấn, tăng 28% so với năm 2013, với kim ngạch 1,4 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 15,9%, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,6%; sang EU đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,9%; sang Nhật Bản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8,8%; sang Hàn Quốc đạt 2,4 tỷ USD, tăng 26,6%; các thị trường khác đạt 6,2 tỷ USD, tăng 20,4%.
Các tín hiệu khả quan từ các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương của Việt Nam, nhất là tuyên bố về định hướng kết thúc đàm phán FTA với EU, kết thúc đàm phán với Liên minh Hải quan Nga - Kazakhstan - Belarus, hoàn tất Hiệp định với Hàn Quốc và các tiến bộ trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đang tạo sức hút lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như mở rộng quan hệ đối tác.
Với triển vọng thuận lợi về thị trường cả trong lẫn ngoài nước, năm 2015, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 28 - 28,5 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2014, trong đó, xuất sang Mỹ đạt trên 11 tỷ USD, Nhật Bản 2,9 tỷ USD, EU hơn 4 tỷ USD, Hàn Quốc 2,8 tỷ USD…
Cần phải tăng cường sản xuất sợi, vải - những lĩnh vực đầu tư cốt lõi đối với ngành dệt may, nhằm mục tiêu giảm dần nhập khẩu, nâng tỷ lệ đầu tư các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Nghị, trong những năm tới, đầu tư vào lĩnh vực này không được dàn trải, mà cần hình thành và nâng cao chuỗi liên kết nội tại, đảm bảo để các dự án không trùng lắp, không cạnh tranh nội bộ, tránh những sai lầm trong đầu tư như chọn sai địa điểm, quy mô, công nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực sợi, doanh nghiệp phải đảm bảo mục tiêu tiến ra xuất khẩu, nhưng vẫn phục vụ chuỗi cung ứng dệt may trong nước.
Xây dựng KCN Texhong Hải Hà trị giá 215 triệu USD () Sáng 15/11, Tập đoàn Texhong đã khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (giai đoạn I) tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (Móng Cái, Quảng Ninh). |
Vốn FDI hướng vào công nghiệp chế biến, chế tạo () Không nhiều dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án tỷ USD, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, góp phần tăng năng lực cho nền kinh tế. |
Nguồn cung nguyên, phụ liệu dệt may bị “làm giá” (baodautu.vn) Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lớn trong ngành dệt may đang gặp phải nhiều trở ngại trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ làm hàng xuất khẩu như bị giao hàng chậm, bị ép tăng giá..., mà nguyên nhân chủ yếu là cầu đang vượt cung. Vì sao dự án dệt may đình đám ITG - Phong Phú đứt gánh? |
Hải Yến