VinSmart sẽ chuyển toàn bộ nguồn lực (nhà máy, các viện nghiên cứu, nhân lực) sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. |
Thương hiệu Việt lớn giã từ cuộc chơi
Vingroup đã đầu tư tài chính dài hạn gần 5.000 tỷ đồng cho VinSmart, thấp hơn nhiều so với VinFast (hơn 22.000 tỷ đồng), Vinhomes (gần 23.000 tỷ đồng), Vinpearl (gần 17.000 tỷ đồng)… Từ khi thành lập (tháng 6/2018) đến nay, VinSmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu tivi. Trong năm 2020, VinSmart đã bán ra thị trường 1,95 triệu smartphone, tăng 225% so với năm 2019. Tháng 3/2020, GfK ghi nhận điện thoại Vsmart đạt 16,7% thị phần, trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ 3 thị trường Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, một thương hiệu điện thoại Việt Nam nằm trong top các nhà sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thị trường. Cho đến hết quý I/2021, VinSmart vẫn chiếm 8,2% thị phần.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vingroup, doanh thu và lợi nhuận của VinSmart được hạch toán vào bộ phận sản xuất cùng với VinFast. Năm 2020, doanh thu bộ phận sản xuất của Vingroup (gồm VinFast và VinSmart) đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với năm 2019. Doanh thu tăng mạnh trong trong năm 2020 chủ yếu nhờ doanh số bán ô tô và smartphone tăng.
Bày tỏ sự tiếc nuối khi VinSmart rút khỏi thị trường, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav cho rằng, smartphone là tinh hoa công nghệ; làm chủ các công nghệ lõi khi nghiên cứu, thiết kế và sản xuất smartphone là đã nắm được hầu hết các lĩnh vực công nghệ khó nhất, mới nhất của thế giới.
“Sự xuất hiện của VinSmart dù chỉ trong thời gian ngắn, với tiềm lực tài chính dồi dào, đã giành được hơn 10% thị phần smartphone từ tay các hãng nước ngoài, vươn lên vị trí thứ 3 thị trường. Điều này khẳng định, người Việt Nam luôn khát khao và ủng hộ các sản phẩm Make in Việt Nam, đặc biệt là smartphone”, ông Quảng nói.
Còn ông Nguyễn Đăng Bền, Tổng giám đốc IGV Group thì nhìn nhận, trong sản xuất công nghiệp, có một mô hình nổi tiếng gọi là “just in time”, nghĩa là không có hàng hóa tồn kho trong chuỗi vận hành do nhà sản xuất sở hữu. Samsung, Apple và một số tên tuổi khác trong lĩnh vực điện thoại di động đều sản xuất theo mô hình này.
“Tôi không tin VinSmart đã phát triển được một hệ thống “just in time” từ sản xuất, vận chuyển, phân phối, bày bán và lưu tại kho của đại lý… Vì vậy, việc từ bỏ mảng smartphone và tivi của Vingroup là dễ hiểu. Và lý do hoàn toàn là “business”, ông Bền nhận định.
Chia sẻ lý do rời lĩnh vực này, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, lĩnh vực điện thoại hay tivi thông minh hiện đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều và rõ ràng là không mang giá trị lớn hơn cho mọi người. Trong khi đó, việc làm ra những thế hệ ô tô điện thông minh hay biến các thành phố, nơi cư trú của con người trở thành các “thành phố thông minh, nhà thông minh” sẽ mang lại nhiều lợi ích và trải nghiệm thú vị hơn cho nhân loại.
Ngoài ra, trên thực tế, mảng sản xuất smartphone, tivi bấy lâu nay đã bão hòa, lợi nhuận không cao. Nhiều ông lớn của thế giới đã từ bỏ như Sony, LG, HTC… Cùng với đó, hơn 1 năm qua, việc thiếu trầm trọng chip và linh phụ kiện tăng giá đã khiến giá thành smartphone tăng cao, nên rất khó cạnh tranh.
“Quyết định này không bất ngờ. Chúng tôi đã từng bước rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp, hàng không, kéo các viện nghiên cứu ô tô từ VinFast nước ngoài về trụ sở chính. Tất cả nhằm tập trung mọi nguồn lực cho ưu tiên cốt lõi là ô tô. Chúng tôi mong muốn có thể làm ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt nhất, tinh hoa nhất cho không chỉ người dùng Việt Nam, mà phải cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. VinFast đang là trụ cột gánh vác sứ mệnh này, nên cần được ưu tiên tối đa nguồn lực. Ngoài ra, với nguồn lực được tập trung, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về thành phố thông minh, nhà thông minh và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) cho các mảng này để mang đến chất lượng sống tốt hơn cho mọi người”, ông Quang cho biết.
Ô tô và phụ kiện ô tô - mảng “trăm tỷ USD”
VinSmart sẽ chuyển toàn bộ nguồn lực (nhà máy, các viện nghiên cứu, nhân lực) sang phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trong đó, trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast. Với gần 150 tính năng Infotainment sắp được trang bị, ô tô VinFast sẽ mang đến những tiện ích khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô toàn cầu.
Cùng với đó, VinSmart sẽ tập trung nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.
Cùng với đó, VinSmart cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về thành phố thông minh - nhà thông minh và các thiết bị IoT liên quan để mang đến trải nghiệm sống vượt trội hơn cho người dùng.
“Nguồn lực quan trọng chúng tôi muốn tập trung về VinFast chính là chất xám. Đội ngũ chuyên gia hàng đầu của VinSmart sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ cho VinFast. Mục tiêu của chúng tôi là những chiếc ô tô điện VinFast khác biệt và có nhiều tính năng thông minh bậc nhất thế giới. Xa hơn, điều chúng tôi hướng tới là làm chủ hoàn toàn công nghệ của tương lai. Bởi thế, ngay từ bây giờ, chúng tôi đang tập trung vào nghiên cứu công nghệ lõi, thiết kế và sản xuất những sản phẩm đang là điểm nghẽn của ngành ô tô điện như tế bào pin điện, hệ thống pin điện hoàn chỉnh, động cơ điện các loại cho VinFast. Việc đi trước này sẽ giúp chúng tôi tăng tỷ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast”, ông Quang cho biết.
Ở lĩnh vực xe ô tô điện, Vingroup không xuất phát muộn hơn các hãng khác, thậm chí có lợi thế từ việc được tiếp cận ngay những công nghệ sản xuất hiện đại nhất. Hy vọng, bước đi quyết đoán này sẽ giúp Vingroup thành công, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong vài năm tới và xuất khẩu ô tô, hoặc trở thành nhà sản xuất phụ kiện ô tô cho các hãng ô tô điện trên thế giới.