Sức khỏe doanh nghiệp
Vĩnh Hoàn điều chỉnh chiến lược
Duy Bắc - 01/02/2024 08:42
Thay vì tích trữ tồn kho chờ tăng giá, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) đang giảm tồn kho, giảm khoản phải thu để tối ưu hoá dòng tiền, phát đi tín hiệu thận trọng về quá trình hồi phục của ngành thủy sản, cũng như xuất khẩu cá tra.
Vĩnh Hoàn đang thực hiện giảm tồn kho, phải thu để bảo vệ dòng tiền. Ảnh: Lê Toàn 

Ưu tiên bảo vệ dòng tiền

Trong nửa đầu năm 2023, khi hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra chững lại, tồn kho ở các nhà nhập khẩu duy trì mức cao, nhu cầu yếu và giá xuất khẩu giảm, nhưng hàng loạt doanh nghiệp thủy sản vẫn kỳ vọng sức mua sẽ quay lại dịp cuối năm. Song thực tế diễn biến không theo kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 9 tỷ USD trong năm 2023, giảm 18% so với năm 2022 (khoảng 2 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các sản phẩm chủ lực của Việt Nam bao gồm tôm, cá tra, cá ngừ… đều giảm.

Không nằm ngoài dòng xoáy, bức tranh lợi nhuận quý IV của Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu cá tra cũng không mấy sáng sủa khi doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2023 đều lao dốc. Riêng trong quý IV/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu giảm 3,2%, về 2.395,7 tỷ đồng; lợi nhuận giảm 74,7%, về 47,64 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế cả năm chỉ lãi 896,5 tỷ đồng, giảm 54,6% và bằng 89,7% so với kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tiếp tục khó khăn hơn so với kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện toan tính thay đổi chiến lược quản trị tồn kho, theo đó ưu tiên dòng tiền để đảm bảo khả năng tài chính, chờ thị trường hồi phục.

Tại Vĩnh Hoàn, sau khi đạt đỉnh tồn kho vào ngày 30/6/2023 với 4.063,7 tỷ đồng, đơn vị này duy trì quy mô tồn kho trong quý III và bất ngờ giảm mạnh trở lại trong quý IV/2023.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn tăng tồn kho trong bối cảnh kinh doanh lao dốc. Điều này dẫn tới dòng tiền kinh doanh bị âm kỷ lục (-231,1 tỷ đồng, là mức kỷ lục kể từ khi niêm yết). Mặc dù vậy, trong quý IV/2023, chính sách của Công ty đã thay đổi khi thực hiện giảm 800,6 tỷ đồng tồn kho, về 3.618,1 tỷ đồng; giảm các khoản phải thu 748,1 tỷ đồng, về 1.581,9 tỷ đồng …

Mặc dù lợi nhuận vẫn suy giảm trong quý IV, nhưng bằng việc giảm tồn kho, giảm các khoản phải thu, dòng tiền của Vĩnh Hoàn đã chuyển dịch từ âm 231,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023,  sang dương 464 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là dấu hiệu cho thấy, Công ty đã ưu tiên dòng tiền hơn là tích trữ tồn kho thâm hụt vốn để chờ thời.

Có thể thấy, khi tình hình kinh doanh không được như kỳ vọng, lợi nhuận lao dốc, nhu cầu mua sắm suy giảm, thì doanh nghiệp sẽ phải đứng trước hai lựa chọn quan trọng. Một là, tiếp tục tích trữ tồn kho, hy vọng nhu cầu hồi phục dù không thể biết thời điểm sẽ hồi phục. Hai là, chấp nhận đẩy tồn kho, quản trị dòng tiền và chờ khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thực sự sẽ gia tăng tồn kho, tránh rủi ro dòng tiền.

Với Báo cáo tài chính quý IV/2023 mới công bố, Công ty Vĩnh Hoàn cho thấy dấu hiệu giảm tồn kho, giảm các khoản phải thu, cải thiện dòng tiền kinh doanh. Đây là dấu hiệu ưu tiên dòng tiền để bảo vệ sức khoẻ tài chính của Công ty.

Áp lực chi phí vận chuyển vẫn hiện hữu

Các doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam hiện tiêu thụ lượng hàng không nhỏ tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Riêng doanh nghiệp tầm trung hiện tập trung vào thị trường Trung Quốc, khu vực châu Á…

Có thể kỳ vọng về sự tăng trưởng doanh thu đối với doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024, song mức tăng trưởng về lợi nhuận sẽ khó tương xứng với mức tăng về doanh thu do áp lực chi phí lớn.

Khác với nhiều doanh nghiệp trong ngành, xuất khẩu cá tra - mặt hàng chủ lực của của Công ty Vĩnh Hoàn lại tập trung vào Mỹ, Anh, Canada. Đây là những thị trường khó tính với yêu cầu cao, giá bán cao, song biên lợi nhuận gộp cao hơn trung bình trong ngành xuất khẩu. Trong đó, riêng năm 2022, giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang Mỹ là 247,54 triệu USD, sang Anh đạt 56,29 triệu USD, sang Canada đạt 14,7 triệu USD.

Mặc dù dữ liệu thị phần xuất khẩu sang từng quốc gia trong năm 2023 chưa được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng, cơ cấu thị phần này không thay đổi đáng kể vì đã duy trì trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Anh... đặt ra bài toán về chi phí vận tải tăng do bất ổn trên thế giới trong bối cảnh tổng nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa hồi phục như dự kiến.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên viên phân tích cao cấp ngành dệt may, thủy sản tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: “Xung đột tại Biển Đỏ có thể tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều đối tác tại châu Âu. Chi phí vận chuyển tăng, bảo hiểm gia tăng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn là những tác động có thể thấy. Khó có thể dự báo chính xác mức độ tác động của xung đột, song BVSC kỳ vọng việc tăng giá cước vận tải chỉ xảy ra trong ngắn hạn dù khó có thể quay về mức đỉnh của năm 2021”.

“Chúng tôi đã nhìn thấy dấu hiệu tích cực liên quan tới hàng tồn kho tại thị trường Mỹ khi số liệu hàng tồn kho chuỗi bán buôn thực phẩm tại thị trường này liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 11 tháng trở lại đây. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, có thể kỳ vọng về sự tăng trưởng doanh thu đối với doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024, song mức tăng trưởng về lợi nhuận sẽ khó tương xứng với mức tăng về doanh thu do áp lực chi phí lớn”, bà Nguyễn Hà Minh Anh nhấn mạnh thêm.

Có thể thấy, khi nhu cầu tiêu thụ và giá xuất khẩu cá tra vẫn chưa hồi phục, trong tháng đầu năm 2024 còn  chịu thêm áp lực chi phí vận tải tăng cao, thì việc Công ty Vĩnh Hoàn điều chỉnh chiến lược từ tích trữ tồn kho sang ưu tiên bảo vệ dòng tiền là hướng đi hợp lý.

Tin liên quan
Tin khác