VMware tăng hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Tới Việt Nam chỉ ít ngày sau sự kiện VMware Explore 2023 được tổ chức thành công tại Las Vegas, với sự tham gia của các khách hàng cũng như đối tác, ông Paul Simos, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của VMware chia sẻ, kể từ khi vào Việt Nam, các dịch vụ của VMware mang tới đều đáp ứng và thỏa mãn được yêu cầu của các khách hàng Việt Nam.
Ông Paul Simos, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của VMware. |
Không phải ngẫu nhiên, mà chỉ trong một thời gian ngắn, VMware đã xây dựng được một “hệ sinh thái” khách hàng với đa dạng các dịch vụ, từ tài chính ngân hàng, sản xuất, khối hành chính công tại thị trường Việt Nam.
“Các công nghệ đa đám mây, các công nghệ quản lý đám mây cũng như các công nghệ đám mây khác mà VMware công bố luôn nhắm tới mục tiêu làm sao cho các khách hàng của chúng tôi có thể hoạt động và vận hành tốt trong một môi trường đa đám mây”, ông Paul Simos nói.
Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của VMware, ông Paul Simos.
Đơn cử, nền tảng Private AI kết hợp cùng Nvidia mà VMware vừa công bố tại VMware Explore 2023 chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ AI tạo sinh (generative AI) – giúp khách hàng đảm bảo tính riêng tư, tuân thủ những yêu cầu đặt dữ liệu tại địa phương, tăng cường mức an ninh bảo mật khi thực hiện hay triển khai những mô hình ứng dụng AI cần dữ liệu lớn. Đồng thời, nó cũng giúp khách hàng của VMware có khả năng dự báo và an ninh bảo mật khi triển khai AI tạo sinh.
Với những công bố sản phẩm tại Explore 2023, mục tiêu của VMware là giúp khách hàng xây dựng nền tảng về điện toán đám mây để có thể sẵn sàng phát triển đám mây trong tương lai.
Hiện một số sản phẩm đã được cung cấp ra thị trường và 1 số sản phẩm cũng sẽ được cung cấp trong thời gian tới đây, trong đó có thị trường Việt Nam.
Tại VMware Explore 2023, VMware giới thiệu các gói dịch vụ Private AI mới nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh. |
Là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của VMware, phụ trách 18 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ông Paul Simos nhấn mạnh: “Có nhiều khách hàng tại Việt Nam đang rất nỗ lực để ảo hóa trung tâm dữ liệu của mình. Việt Nam là thị trường rất quan trọng, thiết yếu của VMware tại khu vực. Tại Việt Nam, VMware tập trung vào một số yếu tố mà khách hàng đặc biệt quan tâm như mở rộng quy mô trên đám mây, kiểm soát được chi phí cũng như hoạt động trong môi trường an toàn để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất”.
“Năm qua, dù kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu của các khách hàng Việt Nam không hề suy giảm, tuy nhiên, để hài lòng nhu cầu đa dạng của từng phân khúc khách hàng, VMware luôn đồng hành, trợ giúp họ để tạo ra một nền tảng có tính hiệu quả về chi phí, vừa an toàn để khách hàng của chúng tôi cung cấp và đáp ứng được nhu cầu các khách hàng,” ông Paul Simos khẳng định.
Lợi thế và tính độc đáo của VMware là đưa ra những giá trị vào thị trường, như cung cấp cho khách hàng những lựa chọn triển khai đám mây để làm sao họ có cách tốt nhất để khai thác cơ sở hạ tầng đã có. Thậm chí, các đối thủ cạnh tranh cũng sử dụng giải công nghệ của VMware để vận dụng, khai thác hệ thống cho khách hàng của họ.
Doanh nghiệp Việt gia tăng nhu cầu “lên mây”
Mặc dù tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu đang tác động trực diện tới các ngành sản xuất và dịch vụ, nhưng theo quan sát của VMware, các DN Việt Nam vẫn có nhu cầu “lên mây” để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Nắm bắt được điều này, VMware tiếp tục tạo ra cơ sở hạ tầng tối ưu hóa, đơn giản hóa để cải thiện vận hành.
Trước đó, giai đoạn đại dịch, VMware cũng giúp nhiều khách hàng thay đổi nền tảng cũng như cách thức làm việc. Sau dịch, các doanh nghiệp tiếp tục thấy môi trường làm việc đó rất tốt như môi trường làm việc từ xa, an ninh bảo mật từ xa, kết nối từ xa …, nên tiếp tục đầu tư cho hệ thống.
Theo các chuyên gia IT, đến 45% - 50% doanh nghiệp Việt hiện vẫn hoạt động trên các hệ thống tại chỗ (on-premise), có nghĩa là các nhà cung cấp hạ tầng đám mây như VMware có cơ hội rất lớn cho điện toán đám mây tại thị trường này. Tuy nhiên, qua nhận diện, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đang ở trong 2 giai đoạn đầu tiên của hành trình đám mây đó, tức là Cloud First và Cloud Chaos.
Ông Phạm Việt Thắng, Giám đốc quốc gia, VMware Việt Nam |
Do đó, với “sứ mệnh” cung cấp các giải pháp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cho DN, ông Phạm Việt Thắng, Giám đốc quốc gia, VMware Việt Nam khẳng định rằng: “Chúng tôi đang nỗ lực để hỗ trợ đưa các doanh nghiệp tới giai đoạn thứ 3, đó là Cloud Smart”.
VMware là một nền tảng cốt lõi cho khách hàng trong quá trình chuyển đổi số. Nếu khách hàng thiếu công nghệ VMware hiện giờ thì họ sẽ rất khó để vận hành hệ thống dữ liệu của họ. Vì vậy, tùy thuộc vào mức độ năng lực của khách hàng, VMware sẽ tư vấn và đồng hành cùng khách hàng trong quá trình. Quá trình đồng hành sẽ giúp khách hàng tiến lên từng bước trong chuyển đổi số.
Với vai trò là người phụ trách thị trường Đông Nam Á và Hàn Quốc của VMware, ông Paul Simos cho rằng: “Việt Nam vẫn là 1 thị trường tăng trưởng rất nhanh và còn nhiều dư địa phát triển. Trong kế hoạch kinh doanh, về mặt công nghệ, VMware coi thị trường Việt Nam là 1 thị trường mới nổi”.
Còn với tư cách là một nhà cung cấp các cơ sở hạ tầng cốt lõi cho Việt Nam, VMware tiếp tục cam kết để không những đảm bảo Việt Nam có thể thực hiện những chuyển đổi trong tương lai cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát trển, đồng thời không chỉ áp dụng hay hiện đại hóa những cơ sở hạ tầng hiện tại mà còn vận dụng, phát huy được tối đa các công nghệ của cloud trong tương lai”.