VN-Index chung nhịp giảm với chứng khoán toàn cầu, bất động sản cùng nhóm bank - chứng - thép rơi mạnh
Sắc đỏ bao phủ thị trường chứng khoán châu Á phiên 20/12 với hầu hết các thị trường đều giảm trên 1%. Chỉ số Nikkei 225 giảm tới 2,46%. Chỉ số Topix giảm 1,54% xuống mức thấp nhất trong khoảng hai tháng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ nới biên độ giao động của lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%. Về lãi suất điều hành, BOJ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cực thấp (0,1%) như giới đầu tư kỳ vọng.
Chứng khoán Việt Nam giảm khá sâu, nhưng nhìn chung vẫn ngang với mức bình quân chung thị trường. VN-Index giảm 15,27 điểm (-1,47%), xuống 1.023,13 điểm. HNX-Index giảm 4,71 điểm (-2,22%), xuống 207,53 điểm. UpCoM-Index giảm 1,08 điểm (-1,5%), xuống 71,03 điểm.
Đa phần các cổ phiếu đóng cửa giảm điểm. Toàn sàn có 547 mã giảm, 90 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 153 mã tăng và 30 mã tăng trần.
Đầu tàu kéo VN-Index rơi sâu trong phiên này là HPG cùng một loạt cổ phiếu ngân hàng như TCB, VPB. Cổ phiếu bất động sản như VRE, VIC, NVL cũng đều nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số sàn HoSE. Cổ phiếu doanh nghiệp lớn như VNM, HVN, DPM hay VietinBank ở nhóm ngân hàng không giúp VN-Index hồi phục được quá nhiều.
Ngoài CTG, dòng ngân hàng chỉ có vài điểm sáng hiếm hoi như OCB, EIB, STB. Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu giả 5-6%. KLB giảm kịch sàn với số dư bán sàn cuối ngày vẫn còn hơn 10 triệu đơn vị.
Tương tự, ở dòng thép, trừ NKG tăng 3,9%, hầu hết cổ phiếu nhóm này đều đỏ lửa, SMC giảm sàn 6,9%. Dòng bất động sản cũng có lượng lớn cổ phiếu giảm sàn như NVL, DIG, ITA, SZC. Nhóm cổ phiếu hồi phục khá ở giai đoạn trước đã điều chỉnh mạnh.
Thanh khoản hồi phục, khối ngoại mua ròng 22 phiên liên tiếp
Điểm tích cực trong ba phiên gần đây là sự hồi phục của thanh khoản. Giá trị giao dịch liên tục tăng. Trên cả ba sàn, đã có 1,26 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 19.899 tỷ đồng.
Không kể giao dịch thỏa thuận, các cổ phiếu hút dòng tiền mạnh nhất là HPG (879 tỷ đồng), STB (629 tỷ đồng), NVL (613 tỷ đồng), VND (606 tỷ đồng), SSI (537 tỷ đồng).
Khối ngoại mạnh tay gom cổ phiếu trong phiên với giá trị mua ròng tới 1.902 tỷ đồng. Chuỗi mua ròng của khối ngoại đã kéo dài 22 phiên. Trong đó, xuất hiện một giao dịch đột biến tại cổ phiếu VPD (781 tỷ đồng) thông qua phương thức thỏa thuận. Cùng đó, HPG và STB đều được nhóm này mua trên trăm tỷ đồng. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá trị bán ròng rất khiêm tốn. VRE là cổ phiếu bị bán mạnh nhất (hơn 16 tỷ đồng).