Tài chính - Chứng khoán
VN-Index giảm điểm, nhà đầu tư bắt đầu trở nên thận trọng
Hải Trần - 13/09/2022 18:37
Đa số các cổ phiếu sau phiên ATC đều được kéo về quanh tham chiếu, thanh khoản duy trì ở mức thấp, không còn xuất hiện lực bán mạnh như những phiên gần đây.

VN-Index kết thúc tại 1.248,4 điểm giảm 1,22 điểm (0,10%). Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 474 triệu đơn vị, giá trị 12.748,7 tỷ đồng, tăng hơn 15% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 63,2 triệu đơn vị, giá trị 2.596,7 tỷ đồng.

Dẫn đầu thanh khoản là SSI với gần 19 triệu đơn vị, HPG hơn 14,68 triệu đơn vị, POW khớp 11,68 triệu đơn vị, VPB 6,75 triệu đơn vị...

Hôm nay cũng là ngày thứ 2 áp dụng giao dịch lô lẻ trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Theo HoSE, trong ngày đầu tiên áp dụng, hệ thống giao dịch trên HoSE ghi nhận hoạt động ổn định và thông suốt. Tổng lệnh đặt giao dịch lô lẻ là 190.671 lệnh, chiếm khoảng 22% tổng lệnh đặt toàn thị trường; Tỷ lệ khớp lệnh của giao dịch lô lẻ là 37,44% với khối lượng hơn 1,3 triệu chứng khoán.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục giảm khi bước vào phiên chiều, nhưng nhờ một số cổ phiếu đảo chiều tăng đã giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 96 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,53%), xuống 281,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,7 triệu đơn vị, giá trị 1.211 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11,7 triệu đơn vị, giá trị 635,7 tỷ đồng.

Chuyên gia HSC cho rằng, nhà đầu tư bắt đầu trở nên thận trọng hơn khi thị trường bước vào giai đoạn biến động mạnh và không mang xu hướng. Thực tế áp lực phiên đáo hạn phái sinh đến sớm là một trong những nguyên nhân khiến cho dòng tiền bỏ qua 2 pha tăng mạnh từ yếu tố liên thị trường.

Thậm chí, dòng vốn năng động như các vị thế đầu cơ lướt sóng ngắn hạn cũng hạn chế hành động khiến thanh khoản sụt giảm, và qua đó không tạo được lực đẩy cho chỉ số VN-Index. Do vậy, biến động rủi ro này sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo.

Từ nay đến cuối tuần, thị trường sẽ còn bị tác động bởi một số sự kiện như chỉ số CPI tháng 8 của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay, đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9 vào ngày 15/09 và ngày cuối (16/9) để các quỹ ETF cơ cấu danh mục. Do vậy, dự kiến nhịp rung lắc sẽ còn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30, vốn được xem là công cụ để điều tiết chỉ số.

Nổi bật trong sắc xanh và có lúc bật trần là ở nhóm cổ phiếu thực phẩm nông nghiệp là PAN, ASM, DBC, TAR, LTG… là những điểm nhấn chính và là những mã tăng tốt nhất sàn đi kèm thanh khoản cao.

Cụ thể hơn, PAN tăng 6,2% lên 26.600 đồng, khớp gần 6,5 triệu đơn vị, ASM tăng 6,1% lên 17.400 đồng, khớp gần 9,6 triệu đơn vị và DBC +6% lên 27.500 đồng, khớp gần 9,3 triệu đơn vị.

Một số mã khác tích cực như IDI tăng 4,7%, NAF tăng 2,4%, AGM tăng 2,1%, BAF tăng 2%...

Nhóm dầu khí vẫn đang chứng minh sự vững chãi với sắc xanh khá tốt trong phiên sáng ở nhiều cổ phiếu, sau đó hạ nhiệt chung với thị trường, nhưng bật tăng lại về cuối phiên.

Như PVB duy trì sắc tím xuyên suốt 18.900 đồng/cổ phiếu, PVD gần trần, tăng 4,98%, PVC tăng 3,69%, PVS tăng 2,24%, PVG tăng 2,68%, …

Nhóm ngân hàng vẫn là bệ đỡ cho thị trường, tăng 0,08%, với CTG tăng 1,66%, EIB tăng 2,13%, SHB tăng 1,03%, ngược lại giảm giá có NVB giảm 5,88%, PGB giảm hơn 3%, MSB giảm 1,67%, BVB giảm 1,54%... thì hầu hết các cổ phiếu bank giảm dưới 0,5%.

Còn nhóm chứng khoán, vẫn bao phủ bởi sắc đỏ, trong đó EVS giảm 3,83%, VIG giảm 2,63%, SBS giảm 2,14%, còn lại giảm dưới 2%. Sắc xanh hiếm hoi ở HCM 2,39%, SHS 0,83%, MBS 0,56% và AGR 0,43%

Tin liên quan
Tin khác