Diễn biến VN-Index thời gian qua |
VN-Index đã có một tuần điều chỉnh nhẹ, khi mà chỉ số này giảm điểm 3/5 phiên giao dịch với tổng mức giảm 2,5 điểm (tương đương 0,4%), xuống mức 565,8 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm do nhà đầu tư trong nước giảm giao dịch mua vào, nhất là các giao dịch ký quỹ, khi kỳ nghỉ dài đang đến gần. Trong tuần, khối ngoại tiếp tục mua ròng với tổng giá trị mua ròng khoảng 670 tỷ đồng trên cả hai sàn, giảm hơn 30% so với tuần trước do thanh khoản giảm.
Đáng lưu ý, khối ngoại giảm mua trong giao dịch khớp lệnh và bán hơn 1,4 triệu cổ phiếu NSC nên bán ròng gần 50 tỷ đồng trên HOSE trong phiên thứ 6 tuần trước.
Về tình hình kinh tế vĩ mô, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4, ở mức 9,5%, cao hơn mức 9,1% được ghi nhận trong quý I/2015. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2014. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm (tính đến hết quý I/2015) cũng tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy, việc tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp chế biến (bao gồm cả xuất khẩu) khá ổn định dù tỷ giá VND với một số ngoại tệ mạnh của các thị trường xuất khẩu như EUR và JPY đang được neo ở mức cao. Các ngành nông nghiệp và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Như vậy, nếu những tháng tiếp theo không có biến động lớn, tăng trưởng GDP quý II dự kiến có thể ở mức 6,3-6,5%.
Về xuất nhập khẩu, nhập siêu 4 tháng đầu năm ước tính ở mức 3 tỷ USD, chủ yếu là do giá trị xuất khẩu dầu thô, nông sản giảm mạnh do giá bán giảm và doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu máy móc trị giá trên 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Việc xuất siêu 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2015, việc nhập siêu 3 tỷ USD, dù là nhập siêu do đầu tư máy móc sản xuất, sẽ khiến tình hình tỷ giá khó kiểm soát hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán dự kiến vẫn thặng dư 5 tỷ USD trong năm nay dù VND được duy trì định giá cao so với một số đồng tiền chủ chốt của thị trường xuất khẩu và việc tăng tỷ giá USD/VND không có lợi cho tổng thể nền kinh tế. Như vậy, tỷ giá có thể chưa phải là vấn đề đang lo ngại trong một vài tháng tới.
Lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp khi mà chỉ số CPI chỉ tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước, dù giá xăng và điện đã được điều chỉnh tăng trong tháng 4. Tình hình thu chi ngân sách cũng khá ổn định với tỷ lệ hoàn thành thu ngân sách 28,8%, thấp hơn tỷ lệ chi ngân sách so với dự toán 2015 là 27,2%. Mặt bằng lãi suất của các ngân hàng, nhất là lãi suất cho vay, tiếp tục có xu hướng giảm và tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4.
Như vậy, các tín hiệu chính của ổn định vĩ mô vẫn được duy trì trong khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi bền vững. Đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Về xu hướng thị trường, dù điều chỉnh nhẹ trong tuần qua, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, chỉ số này đang được hỗ trợ bởi vùng giá 563-558 điểm và dự kiến sẽ hướng về vùng giá mục tiêu 580-585 điểm trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, vùng kháng cự yếu 571-573 điểm có thể khiến thị trường có những phiên điều chỉnh nhẹ đan xen trước khi VN-Index có thể chinh phục vùng giá mục tiêu. Về dài hạn, với việc GDP tăng trưởng tốt (thường đi kèm với việc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện) và tình hình vĩ mô ổn định, đây là thời điểm thích hợp để tích lũy danh mục đầu tư dài hạn.