Kết phiên, VN-Index tăng 4,46 điểm (tương đương 0,41%) đạt mức 1.100 điểm, mở ra kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự tâm lý mạnh tương ứng đường giá trung bình MA200 phiên, trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đóng vai trò giữ nhịp và giúp chỉ số quay trở lại mốc 1.100 điểm đã đánh mất trước đó.
Tổng khối lượng khớp lệnh trên HSX đạt hơn 470 triệu cổ phiếu, giảm 16% so với phiên trước và đạt 9.584 tỷ đồng về giá trị. Tổng thanh khoản trên hai sàn niêm yết tiếp tục suy giảm dưới mức trung bình khi chỉ đạt 14.321,68 tỷ đồng được giao dịch.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12/2023, tín dụng tăng 9,87%. Trước đó, tính đến ngày 31/11, tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cho biết mức tăng trưởng nói trên đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%.
Diễn biến khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay với giá trị hơn 414 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở các mã như HPG (-108 tỷ đồng), FUEVFVND (-84 tỷ đồng), HCM (-54 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, tập trung mua ròng ở các mã như MWG (+105 tỷ đồng), KBC (+33 tỷ đồng), HAG (+16 tỷ đồng)…
Dù vậy, thị trường vẫn phục hồi tốt, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán nhiều mã khá tích cực, vượt vùng đỉnh giá đầu tháng 12/2023 khi VN-Index ở mức quanh 1.130 điểm, thanh khoản đột biến nổi bật với HCM (+3,65%) trước những thông tin về phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ tiếp tục có diễn biến tích cực, nổi bật so với thị trường chung khi khối ngoại giải ngân mua ròng trở lại, thanh khoản gia tăng tốt như PET (+4,67%), MWG (+4,31%), MSN (+2,73%), FRT (+1,81%)...
Các cổ phiếu vận tải biển, cảng biển cũng tăng giá tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh vượt mức trung bình trước thông tin căng thẳng ở Biển Đỏ, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông qua kênh đào Suez, một trong những tuyến đường chính của thương mại thế giới, với VOS (+3,69%), DVP (+3,65%), HAH (+3,62%), SGP (+1,87%)...
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng phân hóa, VAB (-1,49%), TCB (-0,82%), HDB (-0,79%)..., ngoài NAB (+2,07%), STB (+1,32%), EIB(+0,82%)...
Tuy nhiên, tín hiệu đồng thuận và hoàn thành quá trình tạo đáy tại nhóm là chưa được xác nhận. Cùng với đó, thanh khoản ghi nhận sụt giảm trong phiên hôm nay về mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua. Điều này cho thấy trong bối cảnh áp lực bán giảm rõ nét nhưng lực cầu chưa thực sự trở lại mạnh mẽ. Do đó, việc lấy lại ngưỡng 1.100 điểm trong phiên nay chưa đủ sức thuyết phục và có lẽ thị trường cần nhiều động lực hơn để đà tăng trở nên có độ tin cậy hơn.
Theo đó, chiến lược giải ngân tích lũy tiếp tục được ưu tiên trong các nhịp rung lắc, thay vì FOMO mua đuổi tại nhóm cổ phiếu chiếm được sự ưu tiên của dòng tiền. Đồng thời nhà đầu tư cũng cần chú ý duy trì tỷ trọng ở mức vừa phải để chủ động trong việc quản trị rủi ro.