Đầu tư và cuộc sống
Vỡ òa cảm xúc đoàn tụ trên quê hương
Lê Quân (lược ghi) - 01/05/2022 08:42
May mắn trở về từ “chảo lửa” chiến sự Kharkov (Ukraine) khiến lần hồi hương này của ông Nguyễn Thế Châu vỡ òa trong cảm xúc và khác biệt khó tả.
Vợ chồng ông Nguyễn Thế Châu, ảnh chụp tại Kharkov, khi chiến tranh chưa xảy ra

Sau 7 năm tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đến năm 1989, khi đơn vị rút về TP.HCM, Nguyễn Thế Châu, khi đó 24 tuổi, đã xin rời quân ngũ và được Nhà nước tạo điều kiện cho đi xuất khẩu lao động tại Ukraine. Nơi đầu tiên ông đặt chân đến Ukraine là TP. Kharkov và tại đây, ông trở thành công nhân Nhà máy Động cơ máy kéo Búa liềm Kharkov. Từ đó, Kharkov là quê hương thứ hai của Nguyễn Thế Châu, nơi ông lập gia đình, an cư lập nghiệp trong suốt 33 năm qua.

Cuộc sống và công việc làm ăn ở Kharkov của ông Nguyễn Thế Châu cùng vợ và hai con trai diễn ra êm đềm. Kết thúc hơn 5 năm làm việc tại Nhà máy Động cơ máy kéo Búa liềm, ông Nguyễn Thế Châu được tạo điều kiện định cư dài hạn tại Kharkov - thành phố lớn thứ hai của Ukraine và cách biên giới Nga chừng 45 km. Tại đây, ông cùng bà con người Việt kinh doanh buôn bán mặt hàng giày dép, quần áo tại Trung tâm thương mại Barabasova, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất châu Âu.

Sự xáo trộn trong cuộc sống êm đềm của người dân Kharkov xảy ra vào ngày 24/2, khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. Sức nóng chiến sự được cảm nhận ngay lúc đó, “Kharkov rung chuyển bởi pháo kích trước sự ngỡ ngàng của người dân và chính quyền địa phương vì không ai nghĩ Nga sẽ tiến hành hành động quân sự sớm đến vậy”, ông Châu nói.

Chứng kiến cảnh chiến sự tan hoang tại Kharkov - nơi hứng pháo kích dữ dội của quân đội Nga, ông Nguyễn Thế Châu thấm thía những tổn thất, mất mát do chiến tranh, càng thêm thấu hiểu giá trị của hòa bình, của cuộc sống bình yên.

Sau một tuần thấp thỏm lên nhà rồi lại xuống hầm trú ẩn mỗi khi có báo động, những người Việt như ông Châu tại Kharkov đành phải tìm đường di tản đến nơi khác. Khi hành lang di tản nhân đạo về phía Nga bị đóng, ngày 2/3 - một tuần kể từ khi chiến sự nổ ra, ông Châu cùng cậu con trai út và nhóm 6 gia đình người Việt khác tại Kharkov (tổng cộng 14 người) rời Kharkov lên tàu sơ tán về phía Tây đến biên giới Ba Lan. Bỏ lại hết tài sản, nhà cửa và công việc làm ăn, nhóm 14 người Việt ra đi với hai bàn tay trắng và mang trên mình vỏn vẹn bộ quần áo.

Hành trình sang Ba Lan không thể nào quên. Theo dòng người di tản, chúng tôi nhích từng bước chân và mất gần 8 giờ đồng hồ (từ 8h tối ngày 3/3 đến 3h sáng hôm sau) để đi bộ 1 km dưới tiết trời âm 8 - 9 độ C. Trên đường đi, các cháu nhỏ ốm sốt, nhưng may thay, trời lúc đó không có tuyết và được các đội tình nguyện cho uống trà nóng để giữ ấm

Ông Châu kể, cảnh tượng đám đông chen chúc lên tàu di tản ở nhà ga Kharkov trở thành nỗi kinh hoàng và hành trình 28 giờ từ ga Kharkov đến ga TP. Lvov, gần biên giới Ba Lan là hành trình đầy lo âu, mệt mỏi và không khí trên toa tàu rất nặng nề, bởi không ai biết điều gì xảy ra phía trước. Người Việt, người Ukraine cùng ghé lưng trên chuyến tàu di tản, đã có những cảnh báo trên tàu rằng phải tắt sóng điện thoại và tắt đèn để đề phòng trở thành mục tiêu tập kích.

Riêng nhóm 14 người của ông Châu thì nỗi lo âu thấp thỏm lại nhân lên. “Trong nhóm có 4 cháu nhỏ mang cả quốc tịch Ukraine và Việt Nam, nên chúng tôi rất lo lắng, bởi thời điểm đó, chính quyền Ukraine áp lệnh giới nghiêm 30 ngày và yêu cầu công dân không được ra khỏi biên giới”, ông Châu nhớ lại.

May mắn thay, hành trình từ Kharkov đến Lvov diễn ra thuận lợi, nhưng nỗi nhọc nhằn di tản thì chưa hết. Sau khi đến ga Lvov, được tiếp tế lương thực và sự trợ giúp của nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và các đội tình nguyện nhân đạo, nhóm di tản của ông Châu tiếp tục được di chuyển đến gần biên giới Ba Lan.

“Hành trình sang Ba Lan không thể nào quên. Theo dòng người di tản, chúng tôi nhích từng bước chân và mất gần 8 giờ đồng hồ (từ 8h tối ngày 3/3 đến 3h sáng hôm sau) để đi bộ 1 km dưới tiết trời âm 8 - 9 độ C. Trên đường đi, các cháu nhỏ ốm sốt, nhưng may thay, trời lúc đó không có tuyết và được các đội tình nguyện cho uống trà nóng để giữ ấm”, ông Châu kể.

Trong quá trình di tản, nhiều gia đình đã thất lạc thành viên, vì đoàn người di tản được sắp xếp ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em đi trước, sau đó đến thanh niên, nam giới. May mắn là họ đã tìm được nhau sau khi chia sẻ thông tin và kêu gọi hỗ trợ tìm kiếm trên mạng xã hội.

Dòng người di tản tại ga Kharkov (Ukraine)

“Nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về”

Đặt chân sang đất Ba Lan, được sự hỗ trợ tích cực của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Ba Lan, cũng như vòng tay ấm áp của đồng bào tại đây, nhóm di tản của ông Châu tạm thở phào và đến tụ họp tại chùa Nhân Hòa (tên chính thức là Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan) do cộng đồng người Việt chung tay xây dựng tại Thủ đô Warsaw. Chùa Nhân Hòa được ví như điểm trung chuyển của người Việt di tản từ Ukraine. Từ đây, họ tiếp tục hành trình hồi hương hoặc sang nước thứ ba.

Với tâm niệm “chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để trở về”, ông Châu cùng cậu con út quyết định trở về Việt Nam đoàn tụ cùng vợ và con trai lớn đã về Việt Nam sinh sống trước khi chiến sự nổ ra.

Cảm xúc vỡ òa khi sáng ngày 10/3, ông Châu cùng cậu con trai út trên chuyến bay đưa công dân Việt Nam và gia đình từ Ukraine sơ tán sang Warsaw về Việt Nam, đã đến Sân bay quốc tế Nội Bài và hạnh phúc đoàn tụ cùng người thân.

“Đúng là trải qua những ngày chiến sự, có một hành trình di tản đầy lo âu, thấp thỏm, mới thấy yêu thêm, thấm thía thêm giá trị của hòa bình, cảm giác thèm được cuộc sống bình yên hơn bao giờ hết. Nhìn lại hành trình trở về quê hương, bản thân thấy mình và các thành viên trong nhóm di tản gặp may mắn khi xoay xở lên được tàu đến biên giới Ba Lan giữa biển người chen chúc và nhận được nhiều sự giúp đỡ trong suốt hành trình di tản”, ông Châu xúc động nói.

Kể từ khi về Hà Nội đến nay, ông Châu thường xuyên cập nhật tin tức chiến sự tại Ukraine cũng như tình hình tại Kharkov. Những lần Kharkov trúng pháo kích là những lần ông Châu thót tim về nhà cửa, cửa hàng kinh doanh của gia đình.

Tháng trước, tin dữ ập đến khi vào ngày 17/3, Trung tâm thương mại Barabasova - nơi ông Châu cùng nhiều bà con Việt kiều kinh doanh buôn bán - đã bị pháo kích. Theo tin nhận được, hàng ngàn mét vuông sàn kinh doanh tại trung tâm này đã bị phá hủy, tài sản của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đã tiêu tan.

Dù rời Kharkov, nhưng đại bộ phận người Việt vẫn tự nhủ rằng, chuyến di tản là lần tạm lánh bom rơi đạn lạc và khói lửa chiến sự; họ vẫn hẹn ngày trở lại “quê hương thứ hai”, nơi họ đã gắn bó nửa đời người để gây dựng cơ nghiệp.

“Chúng tôi đã có thẻ định cư dài hạn tại Kharkov, nên xác định làm ăn lâu dài tại đó. Sau khi chiến sự lắng xuống, cuộc sống yên bình trở lại, tôi sẽ trở lại với công việc kinh doanh ở ‘quê hương thứ hai’. Việc đi lại giữa Việt Nam và Ukraine thuận tiện, nên chúng tôi sẽ thường xuyên bay đi và về”, ông Châu cho biết.

Tin liên quan
Tin khác