Ngân hàng - Bảo hiểm
Vốn rẻ, doanh nghiệp vẫn ít vay: Ngân hàng muốn được sẻ chia, thấu hiểu
Hà Tâm - 14/05/2020 14:03
Nửa đầu tháng 5/2020, tín dụng giảm khoảng 0,22%. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cầu tín dụng rất thấp, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì.
f

Doanh nghiệp không muốn vay, tín dụng tháng 5 quay đầu sụt giảm 

Ngày 14/5/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND Tp. Hà Nội tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, sau Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp, ngân hàng là ngành đầu tiên tổ chức đoàn công tác tại các địa phương để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đến cuối tháng 4/2020 tăng 1,42%, tăng so với mức 1,1% thời điểm cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, so với mức tăng 4,4% cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng thấp hơn rất nhiều, bởi lẽ nhiều DN thậm chí chưa biết vay vốn để làm gì. 

Dẫn lại số liệu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến này, ông  Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đưa ra bức tranh cụ thể hơn: Tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%. Như vậy, trong nửa đầu tháng 5/2020, tín dụng đã giảm 0,22%.

Theo ông Hùng, hiện nay, cầu tín dụng của doanh nghiệp rất yếu, nhiều DN có dòng tiền trả nợ nhưng cũng không có kế hoạch vay mới, do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai.

Với dư nợ hiện hữu, hiện ngành ngân hàng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng. Ước tính, hiện đã có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid 19. Thông tư  Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực cho doanh nghiệp.

Cụ thể, sau 2 tháng triển khai, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.​ Riêng ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng. ​​

Các ngân hàng cũng miễn, giảm phí thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên quy mô lớn, với số tiền khoảng 1.004 tỷ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm.

Ngân hàng cũng cần doanh nghiệp thấu hiểu, chia sẻ

Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự ấm lòng khi được các ngân hàng chia sẻ, gỡ khó kịp thời. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, sự hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn, rằng lãi suất cần phải rẻ hơn nữa.

Trước ý kiến của một số DN phản ánh việc thực hiện Thông tư 01 còn chậm, mức miễn giảm lãi còn thấp, chưa được như mong muốn, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc giảm lãi suất, giãn nợ là do ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp, nguồn hỗ trợ này không phải từ ngân sách. Đây là sự cố gắng lớn của ngân hàng vì bản thân các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các ngân hàng thương mại không thể lấy đó làm cớ để từ chối cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và rất mong nhận được các ý kiến của doanh nghiệp về trường hợp ngân hàng gây khó khăn cơ cấu nợ để xử lý làm gương.

“Tháng đầu tiên triển khai cơ cấu nợ, chúng tôi cũng sốt ruột vì việc cơ cấu nợ diễn ra khá chậm, chủ yếu do các ngân hàng cũng cần thời gian để ban hành quy chế nội bộ, tập huấn cán bộ, đồng thời lại phải chấp hành cách ly xã hội. Tuy nhiên, tháng vừa qua, việc cơ cấu nợ được tiến hành khẩn trương, đến nay mang lại kết quả khả quan. Chúng tôi khẳng định, tất cả khách hàng đều được xem xét tháo gỡ khó khăn, giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi…”, ông Hùng khẳng định.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị, thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp, chủ động cân đối vốn để đầu tư các Dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc. Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; Kịp thời phản ánh với ngân hàng Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của tổ chức tín dụng.

Mặc dù chia sẻ với doanh nghiệp, song ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu, chia sẻ với ngân hàng.

Thứ nhất, hiện nay, dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, nợ xấu có nguy cơ tăng lên, ngân hàng phải thận trọng rót vốn. Thứ hai, có những khách hàng đã gửi đơn đề nghị giãn hoãn nợ cách đây vài năm, rơi vào tình trạng nợ quá hạn trước khi dịch xảy ra – đối tượng này không được xem xét giãn nợ, cơ cấu nợ - song lợi dụng dịch bệnh lại kêu ca mạnh hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản nghiêm cấm tình trạng trục lợi chính sách.

Thứ ba, dù các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng nhu cầu khách hàng sụt giảm, nhiều DN chưa có phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, gây khó khăn cho ngân hàng trong đầu tư vốn.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp khi vay vốn không có tài sản đảm bảo, nếu không có dự án kinh doanh khả thi, không cho ngân hàng quản lý dòng tiền thì ngân hàng không thể cho vay.

“Chúng tôi biết doanh nghiệp khó khăn, song ngân hàng cũng cần quản lý dòng tiền, mong doanh nghiệp hiểu và chia sẻ với ngân hàng. Ngân hàng không thiếu vốn cho vay và cũng cần phải cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng các doanh nghiệp cần chủ động trong việc chứng minh được hiệu quả của dự án”, ông Hùng đề nghị.  

Tin liên quan
Tin khác