Dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho nhiều lô trái phiếu
Mặc dù mới thành lập (năm 2017), nhưng tính đến cuối tháng 3/2023, Công ty cổ phần Pacific Partners đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu với tổng mệnh giá 452,4 tỷ đồng, gấp 4,11 lần vốn điều lệ.
Thời gian qua, trước áp lực siết chặt quản lý trong việc phát hành trái phiếu cũng như sức ép từ phía trái chủ, hàng loạt doanh nghiệp đã phải mua lại trái phiếu trước hạn và Pacific Partners cũng không ngoại lệ. Ngoài lô trái phiếu đáo hạn ngày 21/6/2022 đã được mua lại toàn bộ, Pacific Partners liên tục mua lại trước hạn lô trái phiếu mã PAPCH2124002 để giảm dư nợ từ 252,4 tỷ đồng về còn 39,4 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Pacific Partners còn lại 2 lô trái phiếu, 1 lô trái phiếu sắp đáo hạn (ngày 23/6/202) với dư nợ 100 tỷ đồng và 1 lô trái phiếu đáo hạn ngày 8/11/2024 với dư nợ 39,4 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu trên được phát hành với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết với thanh khoản thấp và cổ phiếu chưa niêm yết mà Pacific Partners đang đầu tư và nắm giữ. Đó là cổ phiếu của DNP Holding (DNP), Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (DVN), SAM Holdings (SAM), Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade, PRT) và Công ty cổ phần Công nghệ Tài chính EnCapital...
Các cổ phiếu DVN, OPC, DNP, PRT gần như không có thanh khoản; cổ phiếu SAM thanh khoản trung bình 20 phiên chỉ có 278.000 cổ phiếu khớp lệnh trên 1 phiên giao dịch.
Về hoạt động kinh doanh, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, năm 2021, Pacific Partners ghi nhận lợi nhuận gần 4,14 tỷ đồng, tương ứng hiệu quả sử dụng vốn (ROE) là 2%. Năm 2022, lợi nhuận đạt gần 0,85 tỷ đồng, ROE 0,41%, giảm mạnh so với năm 2021.
Đáng lưu ý, tính tới thời điểm 31/12/2022, Pacific Partners có vốn chủ sở hữu là 207,25 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,1 lần; hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,26 lần.
“Hệ sinh thái” kém hấp dẫn
Nhìn vào “hệ sinh thái” của Pacific Partners - những đơn vị mà Pacific Partners đang đầu tư, nắm giữ cổ phiếu và dùng số cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo - có thể thấy, hoạt động kinh doanh của các đơn vị này đều không có điểm nhấn, thậm chí đang chịu ảnh hưởng bởi danh mục đầu tư cổ phiếu.
SAM Holdings ghi nhận doanh thu năm 2022 tăng 11,7%, lên 2.109,06 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm 95,4%, về 7,35 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 19,4% kế hoạch lợi nhuận năm, ROE là 0,06% (mức trung bình của ngành 9,16%). Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả, phải tăng trích lập khi đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn bị giảm giá.
Trong khi đó, năm 2022, Tổng công ty Dược Việt Nam ghi nhận doanh thu 5.540,5 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận lại giảm 48,1% so với cùng kỳ, đạt 112,76 tỷ đồng. Lý do là chi phí tài chính tăng đột biến 481,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 166,78 tỷ đồng, lên 201,4 tỷ đồng (tăng dự phòng các khoản đầu tư và lỗ tỷ giá).
Điểm chung của SAM Holdings và Dược Việt Nam là trong nhiều năm trở lại đây, lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Khi thị trường tài chính gặp khó khăn như năm 2022, lợi nhuận lập tức lao dốc.
Tương tự, tại Protrade, năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu tăng 7,9%, lên 1.605,84 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 1,5%, về 160,46 tỷ đồng; ROA (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) là 5,81% (mức trung bình của ngành là 17,31%).
EnCapital cũng không có điểm nhấn. Cụ thể, trước khi cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã PAPCH2124002 của Pacific Partners, EnCapital liên tục kinh doanh thua lỗ, lỗ luỹ kế đến năm 2020 là 2,61 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhìn sang Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc Gia, đơn vị mà ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Pacific Partners, đang là đại diện pháp luật, năm 2022, đơn vị này cũng ghi nhận lỗ hơn 76 tỷ đồng.
Việc sử dụng các cổ phiếu thanh khoản thấp làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu giúp Pacific Partners tăng mạnh quy mô tài sản và nguồn vốn. Tuy nhiên, huy động vốn tăng cao mà lợi nhuận lại không tăng tương xứng dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn của Pacific Partners đang có dấu hiệu đi lùi.