Điểm nóng
Vụ chiếm đoạt 433 tỷ: Đại diện VietABank né tránh câu hỏi của luật sư
Huệ Nguyễn - 13/03/2023 23:44
Cựu Giám đốc chi nhánh ký hợp đồng tiền gửi đúng quy định, theo ủy quyền của Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, nhưng ngân hàng không trả lại tiền gửi cho khách hàng.

Ngày 13/3, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành do kinh doanh thua lỗ đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, Thành dùng thủ đoạn vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin.

Cấu kết với Nguyễn Thị Hà Thành khiến 3 ngân hàng bị chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng, 17 bị cáo nhóm ngân hàng cùng bị truy tố, đưa ra xét xử.

Ngoài ra, Thành còn tiếp cận, câu kết với 17 bị cáo là cán bộ ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với những người có nhiều tiền gửi tại một số ngân hàng, hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, bị cáo giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.

Cơ quan chức nặng xác định, Hà Thành đã chiếm đoạt của Ngân hàng NCB 47,5 tỷ đồng, của PVcombank 49,4 tỷ đồng, của Ngân hàng Việt Á hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Trong phần xét hỏi các bị cáo, nhiều luật sư đã đặt câu hỏi với đại diện các Ngân hàng về việc khách hàng ký hợp đồng, gửi tiền tiết kiệm với ngân hàng theo đúng quy định, đã nhiều lần yêu cầu rút tiền nhưng không được chấp thuận.

Cụ thể, ông Triệu Hùng Cường có 3 sổ tiết kiệm liên quan vụ án, với tổng số tiền là 95 tỷ đồng, đều đã bị Ngân hàng Việt Á giữ lại không thanh toán; bà Triệu Thị Tuyết Trinh cho vay 3 sổ tiết kiệm trị giá 75 tỷ đồng; ông Đặng Nghĩa Toàn có một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng ở Ngân hàng Việt Á; 4 sổ trị giá 50 tỷ đồng ở Ngân hàng NCB và 4 sổ trị giá 52 tỷ đồng tại PVcomBank.

Đây là một số bị hại, được tòa triệu tập đến trong vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các cá nhân này cho rằng, trong quá trình thực hiện giao dịch tại ngân hàng, đều nhận được các hồ sơ, giấy tờ của ngân hàng, nên đề nghị các ngân hàng trên trả lại toàn bộ tiền gửi trong các sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, các ngân hàng đều không đồng ý, hoặc không đưa ra ý kiến.

Trả lời các câu hỏi của nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo, bị hại, đại diện Ngân hàng Việt Á không tập trung vào trọng tâm, nhiều nội dung né tránh, hoặc không có ý kiến trả lời. Thậm chí luật sư phải ngao ngán thốt lên: “Cái gì đại diện Ngân hàng Việt Á cũng nói không biết, luật sư chúng tôi cũng không biết hỏi gì nữa”.

Trước đó, bị cáo Quản Trọng Đức, Quản Trọng Đức, Giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Trưởng Phòng giao dịch Đông Đô khẳng định, việc ký các hợp đồng tiền gửi đối với khách hàng cá nhân là đúng quy định, theo văn bản ủy quyền của Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Việt Á cho rằng, có nhiều văn bản liên quan, và văn bản ra sau thì văn bản trước đó hết hiệu lực!?

Phản bác quan điểm trên, luật sư cho rằng, văn bản ra sau thì không thể phủ nhận văn bản trước đó; không có văn bản hoặc nội dung nào thể hiện hủy hoặc hủy một phần của văn bản trước đó.

Hơn nữa, khách hàng đã ký hợp đồng tiền gửi hợp pháp với ngân hàng, còn việc Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của chủ sổ tiết kiệm để rút tiền là khác nhau. Do khách hàng không thế chấp, không cùng Hà Thành phạm tội, nên ngân hàng phải trả tiền cho họ, không thể lấy tiền của khách hàng để “bù” vào việc Hà Thành lừa ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác