Sai có tiền lệ
Kể từ ngày 1/1/2009, theo cam kết tại Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam bắt đầu được mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, không phải mở bao nhiêu điểm bán lẻ tại Việt Nam cũng được, mà doanh nghiệp FDI cần tuân thủ theo quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế. Theo đó, để mở địa điểm thứ 2 trở lên, các doanh nghiệp này phải xin phép và sau khi kiểm tra, xem xét nhu cầu và khả năng của thị trường trong nước, cơ quan quản lý quyết định có cấp phép hay không.
Với trường hợp của Big C, cơ quan thuế nhận định, doanh nghiệp này có dấu hiệu “né” quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
. |
Cụ thể, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, các công ty thuộc hệ thống Big C Việt Nam đều hoạt động dưới hình thức công ty độc lập, hạch toán kế toán xác định lãi lỗ theo từng đơn vị, tức là xác định doanh thu, chi phí và kê khai, nộp thuế riêng. Thậm chí, tại một số địa phương, các công ty này hoạt động theo mô hình công ty độc lập, quản lý chi nhánh hạch toán phụ thuộc, chẳng hạn như Big C Hải Phòng quản lý một số chi nhánh phụ thuộc tại Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang; hoặc Công ty Việt Nhật quản lý 17 chi nhánh phụ thuộc tại 17 tỉnh, thành phố khác nhau...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng hóa mua vào của hệ thống siêu thị Big C chủ yếu được cung cấp từ Công ty TNHH Dịch vụ EB có trụ sở tại TP.HCM. Hoạt động kinh doanh của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng chủ yếu do Công ty TNHH Dịch vụ EB điều hành. Người đại diện pháp luật của hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam (lúc chưa chuyển nhượng cho doanh nghiệp Thái Lan) là ông Guillaume Gerard Marie Sénéclauze (quốc tịch Pháp). Ông này đồng thời là người đại diện pháp luật của một số công ty thuộc hệ thống Big C Việt Nam.
Thực tế trên cho thấy, các đơn vị thuộc hệ thống Big C Việt Nam đã có dấu hiệu “lách luật” trong quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế liên quan đến việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ bằng cách lập nhiều pháp nhân kinh doanh dưới cùng một thương hiệu Big C, trong khi thực tế, các cơ sở kinh doanh bán lẻ này được vận hành theo hệ thống.
Ở một khía cạnh khác, theo Tổng cục Thuế, từ khi có mặt ở Việt Nam vào năm 2007 đến nay, các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã nộp tổng số tiền thuế gần 2.672 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra tại các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C, cơ quan thuế phát hiện hàng loạt sai phạm về thuế, như sai thuế suất thuế VAT, khai thiếu thuế VAT, khấu hao không đúng quy định... Kết quả thanh tra, kiểm tra, Big C Việt Nam đã bị truy thu và phạt 25,5 tỷ đồng.
Riêng Big C Nam Định từng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, khi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến 10 lần trong trường hợp lượng nước thải từ 50 m3 đến dưới 500 m3/ngày (vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 10, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ) và bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt 35 triệu đồng.
Dấu hiệu trốn thuế?
Năm 2010, Công ty Việt Nhật “rót vốn” cho Công ty cổ phần Tasco Thiên Trường (Tasco Thiên Trường) tìm địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng rồi thuê lại 43 năm với giá 160 tỷ đồng và thanh toán tiền đầy đủ. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, hai bên đã thay thế hợp đồng thuê bằng hợp đồng mua bán cổ phần.
Từ phân tích hồ sơ và theo tư liệu của Báo Đầu tư, ngày 17/9/2012, đại diện của Công ty Việt Nhật (chủ thương hiệu Big C) là ông Trần Thanh Hải đã thống nhất với ông Nguyễn Văn Dũng - đại diện pháp nhân Tasco Thiên Trường về việc mua bán Trung tâm thương mại Thiên Trường làm Big C Nam Định với giá 95 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế VAT.
Tiếp đó, “ngày 18/9/2012, giá mua bán lại hạ xuống 80 tỷ đồng, kèm theo đó là việc Big C xuất trả lại hóa đơn 146,8 tỷ đồng. Việc xuất trả lại hóa đơn này là vi phạm pháp luật và làm lợi cho chủ thương hiệu Big C 15 tỷ đồng - giá trị chênh lệch giữa 2 lần làm việc”, luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích.
Thực hiện điều tra chuyên sâu, chúng tôi phát hiện giá trị chuyển nhượng của Trung tâm thương mại Thiên Trường lúc bấy giờ là con số khổng lồ, gồm 80 tỷ đồng như đã nêu và 146,8 tỷ đồng tiền thuê trước đó không phải trả lại. Như vậy, giá trị mua bán thực của Trung tâm thương mại Thiên Trường là 226,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tasco Thiên Trường đã không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, với lý do làm ăn thua lỗ, trong đó, lấy lý do phải trả lại cho chủ thương hiệu Big C 146,8 tỷ đồng tiền thuê mà Công ty Việt Nhật đã trả trước?
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Tasco Thiên Trường lúc bấy giờ thanh minh: “Khi ấy, Tasco Thiên Trường có mỗi dự án này và thua lỗ rất nhiều vì phải đền trọng tài quốc tế rất lớn và sức ép của tỉnh. Đồng thời, phải trả lại tiền thuê và không được hoàn thuế vì Công ty Việt Nhật ép trả tiền mặt chuyển sang tiền mua”.
Khi chúng tôi hỏi có chứng cứ cho việc trả lại tiền thuê chưa hết này không, ông Dũng cho biết: “Việc trả lại tiền cho Công ty Việt Nhật có chứng từ đầy đủ và do anh Sáng (ông Sáng lúc này là cổ đông của Tasco Thiên Trường - phóng viên) ký nhận”.
Nhưng theo tư liệu chúng tôi có được thì phiếu chi ngày 19/11/2012 với nội dung hoàn trả lại một phần giá trị thuê theo hợp đồng 130 ngày cho Công ty Việt Nhật của Tasco Thiên Trường do ông Dũng ký và ông Nguyễn Quang Sáng (người của Tasco Thiên Trường) ký nhận với số tiền lên đến hơn 160 tỷ đồng.
Như vậy, “bằng phương pháp xuất hóa đơn trái pháp luật, Công ty Việt Nhật (chủ thương hiệu Big C thời điểm 2012) đã được hưởng lợi 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty Việt Nhật còn là đồng phạm giúp sức cho Tasco Thiên Trường trốn thuế và không phải nộp 40 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng là con số thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước”, luật sư Trường Tiến Hùng phân tích.