. |
Gia tăng vi phạm
Theo ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở đã kiểm tra 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm, tăng 216 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 12,6%). Trong đó, xây dựng không phép có 957 trường hợp (chiếm 49,7%), tập trung nhiều nhất ở huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 9, huyện Cần Giờ, quận 12. Xây dựng sai phép có 599 trường hợp, trong đó xây dựng sai phép trong dự án quy hoạch chi tiết 1/500 có 195 trường hợp, dẫn đầu là huyện Hóc Môn, tiếp đến là quận 9, quận 7…
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND quận 9 cho biết, vi phạm xây dựng sai phép, không phép gia tăng là do địa bàn quận 9 rộng, nhiều dân nhập cư, đặc biệt là khi Dự án Khu công nghệ cao đi vào hoạt động đã thu hút nhiều lao động. Ngoài ra, trên địa bàn quận có một số dự án “treo” như Dự án Trung tâm hành chính quận quy mô 56 ha, đã được quy hoạch gần 20 năm, nhiều người dân muốn đăng ký xây nhà mới nhưng không được cấp phép...
“Chiếm 50% trường hợp vi phạm xây dựng là người nhập cư, còn lại là các hộ nghèo ở trong khu vực quy hoạch quá lâu, họ bỏ ra 200 - 300 triệu đồng mua đất qua hình thức viết giấy tay để giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Trong tháng 8 và tháng 9, quận 9 sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với 3 phường (Trường Thạnh, Long Phước, Long Trường) có số vụ vi phạm trật tự xây dựng nhiều nhất, để quyết tâm xử lý dứt điểm 63 trường hợp bằng biện pháp cưỡng chế”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Còn theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện có nhiều dự án bất động đến 20 năm, trong khi nhu cầu đất xây nhà ở, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp lại rất lớn. Đây cũng là địa bàn tập trung nhiều lao động nhập cư, nên gia tăng nhu cầu xây dựng nhà ở, buộc người dân phải mua đất bằng giấy tay rồi lén lút cất nhà.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi thì cho biết, trong cơn sốt đất nền vừa qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra 209 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tăng 139 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016, tập trung tại 5 xã nằm trong quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, trong đó 144 trường hợp có đất nằm trong quy hoạch công viên cây xanh “treo” hơn 10 năm.
Loay hoay trong quản lý quy hoạch
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, quy hoạch đô thị tại Thành phố đang có vấn đề, cần phải tính toán lại. Nếu không xác định được cơ cấu kinh tế mà làm quy hoạch thì sẽ dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch.
Để khắc phục tình trạng xây dựng không phép, sai phép tràn lan, UBND Thành phố chủ trương thành lập tổ công tác cấp phép đầu tư thông qua cơ chế một cửa để doanh nghiệp và người dân không phải đi qua nhiều sở, ngành. Các quận, huyện nhanh chóng xây dựng quy trình, quy chuẩn chung trong việc xử lý, quản lý công trình sai phép theo địa bàn để kiểm soát. Đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ, chậm nhất cuối tháng 10/2017, các quận, huyện phải xây dựng xong dịch vụ cấp phép xây dựng trực tuyến, tạo thuận tiện cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, việc các quận, huyện lập quy hoạch chi tiết 1/500 làm căn cứ cấp giấy phép xây dựng là lãng phí, không hiệu quả. Khi Luật Xây dựng 2014 được ban hành, Thành phố đã lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung đô thị. Các quận huyện nên vận dụng quy chế này làm cơ sở cấp phép xây dựng, chứ không cần phải lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến cuối năm 2017, Sở sẽ tập trung các giải pháp để xử lý triệt để các quyết định xử lý hành chính đã được ban hành, nhất là các vụ vi phạm nghiêm trọng, phức tạp như sai phạm tại Dự án Thảo Điền Sapphire và các công trình nhà cao tầng xây sai phép, chuyển công năng, nhất quyết không hợp thức hoá cho tồn tại.