9 tháng năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ tiếp đà phục hồi, đạt 89,4 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ 2023. |
WB vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP).
Tại Báo cáo này, WB cho rằng các nền kinh tế đang phát triển của EAP sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong năm 2024, nhưng vẫn chậm hơn so với thời kỳ trước đại dịch.
WB dự báo tốc độ tăng trưởng khu vực EAP đạt 4,8% trong năm 2024, trước khi giảm xuống 4,4% vào năm 2025. Trong số các quốc gia, tăng trưởng của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan được dự báo có thể sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch trong các năm 2024 và 2025, trong khi Indonesia dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn giai đoạn này.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc, dự báo sẽ giảm từ 4,8% trong năm nay xuống còn 4,3% trong năm 2025 do thị trường bất động sản yếu kéo dài, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng thấp, bên cạnh những thách thức mang tính cơ cấu như dân số già hóa và những căng thẳng toàn cầu.
Ngược lại, tăng trưởng chung của khu vực ngoại trừ Trung Quốc dự báo đạt 4,7% trong năm 2024 và 4,9% trong năm 2025, nhờ tiêu dùng trong nước tăng lên, xuất khẩu hàng hóa phục hồi và du lịch tăng trở lại.
Bà Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại".
Để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, theo bà Manuela V. Ferro, các quốc gia trong khu vực phải chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế của mình để thích nghi với sự chuyển đổi các mô hình thương mại và thay đổi về công nghệ”.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra 3 yếu tố gây ảnh hưởng đến tăng trưởng trong khu vực, đó là chuyển dịch thương mại và đầu tư, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và sự bất ổn chính sách toàn cầu ngày càng gia tăng.
Cụ thể, căng thẳng thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn.
Thứ nhất, các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018 - 2021. Tuy nhiên, bằng chứng mới cho thấy các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.
Thứ hai, các nước láng giềng của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của nước này trong ba thập kỷ qua, nhưng quy mô của động lực đó hiện đang giảm dần.
Trung Quốc đã thúc đẩy các nước khác thông qua nhập khẩu hàng hóa, nhưng nhu cầu nhập khẩu hiện nay tăng chậm hơn GDP. Nhập khẩu chỉ tăng 2,8% trong 7 tháng đầu năm nay so với mức gần 6% mỗi năm trong thập kỷ trước.
Thứ ba, bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực. Ngoài sự bất ổn về địa chính trị, những bất định về chính sách kinh tế gia tăng có thể làm giảm sản xuất công nghiệp và giá cổ phiếu ở ĐÁ-TBD lần lượt lên tới 0,5% và 1%.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra một thực tế, các quốc gia trong khu vực tận dụng công nghệ mới để tiếp tục tạo việc làm. Robot công nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến thị trường lao động.
"Giai đoạn 2018 - 2022, việc sử dụng robot đã giúp tạo ra 2 triệu việc làm cho lao động có kỹ năng, nhờ năng suất cao hơn và quy mô sản xuất mở rộng, cùng nhu cầu về kỹ năng bổ trợ. Tuy nhiên, robot cũng đã thay thế khoảng 1,4 triệu lao động có kỹ năng thấp tại các nước trong ASEAN-5", Báo cáo nêu.
Do khu vực có nhiều công việc thủ công, tỷ lệ công việc bị đe dọa bởi AI là thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển. Dù vậy, khu vực này cũng ít có khả năng tận dụng lợi ích của AI hơn, do chỉ có 10% công việc có sự hỗ trợ của AI, so với 30% ở các nền kinh tế phát triển.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Aaditya Mattoo cho biết: “Mô hình phát triển của Đông Á dựa vào thị trường toàn cầu mở và sản xuất thâm dụng lao động đang bị thách thức bởi căng thẳng thương mại và công nghệ mới".
Do đó, "phản ứng tốt nhất là tận dụng các hiệp định thương mại tự do và trang bị cho mọi người những kỹ năng cũng như tính cơ động để tận dụng các công nghệ mới", ông Aaditya Mattoo lưu ý.