Tiêu dùng
Xăng dầu còn đứt gãy nếu doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ
Thế Hải - 17/02/2023 08:15
Nếu vẫn để tình trạng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ do không có chiết khấu, thì thị trường xăng dầu còn nhiều bất ổn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ còn xảy ra và Nhà nước cũng thất thu thuế…
Giá nhập vào bằng giá bán ra là nguyên nhân chính khiến khối doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng Ảnh: Đức Thanh

Bán lẻ xăng dầu “khóc ròng” vì lỗ

Tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương tổ chức, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục than thở về tình trạng ngập trong thua lỗ suốt một năm nay.

Theo các doanh nghiệp này, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

Cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó gần 2/3 là doanh nghiệp tư nhân. Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải Hà Giang phản ánh: “Tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ đã kéo dài cả năm qua. Trong giai đoạn cao điểm khó khăn vừa qua, khoảng 9.000 doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước lỗ lên tới 900 tỷ đồng/tháng và nếu tính từ tháng 3/2022 đến nay có thể lỗ tới 3.000-4.000 tỷ đồng”.



Phải cộng các chi phí vào công thức giá

- Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA)

Việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu cần phải để doanh nghiệp cộng các chi phí vào công thức giá. Nhà nước quản lý giá bằng công cụ, công thức, tính theo giá thế giới, còn chi phí của doanh nghiệp thì cũng phải được cộng vào cho đủ. Lúc đó, đầu mối không thể kêu không đủ chi phí để chiết khấu cho bán lẻ. Việc sửa Nghị định cũng phải cố gắng có yếu tố thị trường rõ ràng hơn, nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước.

Trong khi đó, cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, nhưng có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh thì trong quý IV/2022 đã có lãi đến cả ngàn tỷ đồng.

Bán hàng, nhưng chiết khấu không có, giá nhập vào bằng giá bán ra, doanh nghiệp phải tự bù các chi phí trong kinh doanh là nguyên nhân chính khiến khối doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề.

Từ Lâm Đồng bay ra Hà Nội dự Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, bà Hoàng An, Giám đốc Công ty TNHH Nhung Thanh Thủy cho biết, dù chỉ có một cửa hàng bán lẻ, đất đai không phải thuê, chi phí trên mỗi lít xăng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác, nhưng bà kiến nghị phải có chiết khấu tối thiểu cho khâu bán lẻ 5 - 6%, thì mới đủ có lãi để duy trì kinh doanh khi thị trường biến động hiện nay.

“Đầu tư một cửa hàng bán lẻ xăng dầu thấp nhất cũng hơn 20 tỷ đồng, chiết khấu luôn ở mức thấp, rồi về 0 đồng, đã kéo dài cả năm nay, nên áp lực vô cùng. Kinh doanh lỗ mà doanh nghiệp cứ phải bù, nếu không sửa quy định về chiết khấu tối thiểu, đến khi doanh nghiệp lỗ, phải rời thị trường thì Nhà nước cũng thất thu thuế”, bà Hoàng An nói.

Sở hữu 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Bắc Giang, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ cũng đang chịu cảnh thua lỗ. Chi phí kinh doanh hàng tháng là 90-100 triệu đồng, gồm 60 triệu đồng trả lãi vay, 20 triệu đồng trả lương nhân viên, 10 triệu đồng là các chi phí khác. Doanh nghiệp này đang cố cầm cự thêm, nhưng có thể phải tính đến phương án đóng một cửa hàng để giảm áp lực chi phí vốn.

“Doanh nghiệp sẽ cố gắng cầm cự, nhưng có thể trong thời gian tới sẽ đăng ký với cơ quan quản lý để rút ngắn thời gian bán hàng, vì càng bán nhiều càng lỗ nhiều. Kinh doanh thua lỗ, chịu quy định khắt khe, bất bình đẳng so với các thành phần trong chuỗi cung ứng, thì các doanh nghiệp bán lẻ sẽ không có động lực để kinh doanh”, ông Hồ Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ cho biết.

Ông An ví von, nếu doanh nghiệp ngành nghề khác khi bỏ ra chục tỷ đồng để kinh doanh, thì lãi hưởng, lỗ chịu và đến khi lỗ quá sẽ dừng kinh doanh, nhưng bán lẻ xăng dầu thì không thể vì lỗ mà được phép nghỉ bán, vì nghỉ sẽ bị phạt. Thậm chí, ngành nghề khác có thể nâng giá bán nếu dịch vụ, sản phẩm tốt, nhưng với xăng dầu không thể tự ý nâng giá.

Việc thua lỗ, theo các doanh nghiệp bán lẻ, còn do các quy định bất bình đẳng giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng, nên họ có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối. Nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận, bởi nếu không lấy hàng thì sẽ không thể lấy hàng của nhà phân phối khác. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Qua đó, họ được hưởng nhiều lợi ích như lợi nhuận định mức, chí phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng…

Từ thực tế như vậy, các doanh nghiệp cho rằng, cần quy định chiết khấu tối thiểu với xăng dầu. Đây chính là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu để đảm bảo cho mọi hoạt động của hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng.

Tự do hóa thị trường theo cung - cầu

Góp ý với Ban Soạn thảo về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ cực kỳ khó khăn, vậy nên, mấu chốt là làm sao xây dựng được nghị định kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Nghị định kinh doanh xăng dầu tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đến doanh nghiệp đang sử dụng xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Công thức tính giá cơ sở cần làm rõ phần chi phí và lợi ích ở cả 3 khâu

- Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc  (Trà Vinh)

Phải nhìn nhận lại từng khía cạnh của Nghị định 95/NĐ-CP/2021 đang gặp vấn đề gì. Nên đưa những gì phức tạp nhất thành đơn giản nhất  để giải quyết. Đó là, công thức tính giá cơ sở cần làm rõ phần chi phí và lợi ích ở cả 3 khâu: doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.

Hiện nay, chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng, gồm 300 đồng lợi nhuận định mức và 1.050 đồng chi phí lưu thông/lít xăng. Chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng thành 3 phần ở các khâu theo tỷ lệ phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống là vấn đề sẽ được giải quyết.

Theo đại diện VCCI, việc để giá thấp hơn chi phí sẽ gây đứt gãy nguồn cung như thời gian qua. Do đó, đã đến lúc, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh có lãi và phát triển bền vững.

Tình trạng càng bán nhiều càng lỗ nhiều, không ít cửa hàng xăng dầu đóng cửa, gây đứt gãy cục bộ nguồn cung thực chất là do các quy định về kinh doanh của quản lý nhà nước chưa giải quyết được bài toán chi phí.

Mặc dù đã ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa, nhưng theo VCCI, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

“Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai, minh bạch. Khi đáp ứng yêu cầu này, thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân”, ông Tuấn nói.

Nêu quan điểm về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhìn nhận thẳng thắn thì thời gian qua có biểu hiện yếu kém trong quản lý nhà nước, để xảy ra đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu, trái phiếu.

“Chúng ta đã qua nhiều giai đoạn thế giới có các cuộc chiến tranh lớn như tại Kuwait, Iraq, có thời điểm, giá dầu thô lên 140 USD/thùng, chứ không phải bây giờ mới cao. Trước đây xử lý khác, không để tình trạng ‘đá bóng’ qua lại, rất thiếu trách nhiệm”, ông Cung bình luận.

Nguyên viện trưởng CIEM băn khoăn, chưa bao giờ có nghị định vừa ban hành chưa ráo mực đã phải sửa ngay. Cụ thể, Nghị định 95/2021/NĐ-CP ban hành tháng 11/2021 để sửa Nghị định 83/2014/NĐ-CP, thì đầu năm 2023, phải sửa lại, tức là chỉ hơn một năm. Trong khi đó, Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và cả dự thảo mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến có rất nhiều điều khoản mà nội dung còn mù mờ, không rõ ràng, tạo dư địa tùy ý và tùy nghi thực hiện cho các cơ quan nhà nước liên quan.

“Mấu chốt là cần hướng tới cơ chế điều hành xăng dầu để ai cũng thắng, đó là tự do hóa để thị trường định giá theo quan hệ cung - cầu, gắn thị trường xăng dầu trong nước với thị trường xăng dầu quốc tế”, ông Cung nói.

Về phía đơn vị soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI).

“Lúc này cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước tư duy lại cách thức điều hành xăng dầu, sử dụng công cụ của Nhà nước thế nào, Nhà nước nên can thiệp đến đâu để đảm bảo an ninh năng lượng, kiểm soát CPI, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển”, ông Đông thừa nhận.

Tin liên quan
Tin khác