Ngày 14/7, tại TP. Đông Hà, Quảng Trị, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo "Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung".
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung những năm gần đây đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ về xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, các đô thị trong Vùng đã và đang chịu nhiều tác động trực tiếp, tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Theo đó, tốc độ đô thị hóa và sự phát triển mật độ dân số đô thị cao cũng góp phần làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu ở các tỉnh, thành phố lớn ven biển.
Phát triển đô thị gắn với các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu là chiến lược dài hạn của khu vực miền Trung hiện nay. Ảnh: Phạm Trường |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho hay, để triển khai thực hiện thành công các chủ trương, định hướng và giải pháp đã được nêu tại các Nghị quyết 06-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành (ngày 24/1/2022) về việc “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; và Nghị quyết 148 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW; cũng như Nghị quyết 26 –NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (ban hành ngày 3/11/2022) hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức đặt ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, đối với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh ven biển với tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, toàn Vùng có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V.
Năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa của Vùng là 37,5%. Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/1 năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%). Các đô thị lớn là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò động lực phát triển không chỉ trong tỉnh mà trong cả vùng miền Trung.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, trong thời gian tới, cần tăng cường quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, chú trọng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình hạ tầng xã hội; cải thiện chất lượng phục vụ; giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội (như chỗ ở, việc làm...); Lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau.
"Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết… với đường bờ biển dài và đẹp... cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế. Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, các diễn giả và chuyên gia trong nước, quốc tế đã thảo luận, trao đổi các nội dung về chính sách quản lý rủi ro thiên tai từ kiến thức đến việc tích hợp rủi ro vào quy hoạch và phát triển đô thị; xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; cách tiếp cận khả năng chống chịu ở cấp địa phương và một số ví dụ thực tế…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, Quảng Trị là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống đô thị bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, hạn chế, khó khăn chưa giải quyết triệt để.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng bày tỏ mong muốn các chuyên gia, đại biểu tham dự đóng góp nhiều kinh nghiệm, đề xuất hiệu quả nhằm xây dựng và phát triển hệ thống đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nói chung, cũng như Quảng Trị nói riêng theo định hướng bền vững, xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai. Góp phần hữu ích trong việc triển khai thành công Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 148 của Chính phủ và các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển đô thị của Trung ương, địa phương.
Được biết, Hội thảo lần này cũng nằm trong khuôn khổ các hội thảo chuyên đề của Quỹ quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, do Liên minh Châu Âu tài trợ. Hội thảo đầu tiên về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững được tổ chức vào tháng 3/2023 tại TP Hà Nội. Các hội thảo chuyên đề được tổ chức vào tháng 7/2023 tại các tỉnh Quảng Trị, Sơn La, Hậu Giang, với nội dung tập trung vào việc tích hợp những rủi ro vào công tác quy hoạch đô thị cho các tỉnh, thành phố thuộc ba khu vực: miền núi, ven biển và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngọc Tân