Ra quân xây dựng “cửa hàng số”
Ngay từ những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, Tổ công tác 1034 (được thành lập theo Quyết định 1034/QĐ-TTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có cuộc làm việc với tỉnh Thái Nguyên để triển khai Kế hoạch Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong năm 2022.
Mục tiêu được hai bên đặt ra là năm 2022 có 100% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí của Kế hoạch được tạo tài khoản trên sàn TMĐT, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được đưa lên Postmart (của Vietnam Post) và Vỏ Sò (của Viettel Post). Đây là tỉnh “mở hàng” năm 2022 trong chiến dịch đưa nông dân lên sàn TMĐT.
Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ sau 4 tháng triển khai Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT, đã có hơn 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT với hơn 49.000 sản phẩm nông nghiệp và hơn 67.500 giao dịch được thực hiện trên sàn TMĐT. Trong đó, Postmart đã đưa sản phẩm của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. Còn Viettel Post đã hỗ trợ khoảng 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, với hơn 36.000 giao dịch, tiêu thụ 12.884 tấn hàng.
Tạo hệ sinh thái số cho 4 triệu “cửa hàng số” của nông dân
Chia sẻ về kế hoạch năm 2022, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết: “Ưu tiên hàng đầu hiện nay của Vietnam Post là phát triển các “cửa hàng số” cho hộ gia đình trên sàn TMĐT. Dựa trên hệ thống định vị địa chỉ số để xác định nguồn gốc sản phẩm, phát triển tài khoản thanh toán điện tử, qua đó hình thành hệ sinh thái số gồm website bán hàng, ứng dụng bán hàng trên smartphone, cổng truy xuất nguồn gốc thương hiệu… Với cơ sở dữ liệu thông tin về nhà cung cấp, giấy chứng nhận kinh doanh hay chất lượng sản phẩm đầy đủ, minh bạch được lưu trữ trên hệ sinh thái, mỗi sản phẩm nông sản trên sàn đều rõ ràng về thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Theo ông Hào, năm 2022, bên cạnh việc đến từng ngõ, kết nối với từng hộ gia đình để tiếp tục hỗ trợ hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng trên sàn, Postmart.vn sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, marketing để gia tăng lượng đơn hàng, thúc đẩy doanh số của các nhà cung cấp trên sàn.
Còn ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển của Vietnam Post cho hay, mục tiêu năm 2022 sẽ đưa 6-8 triệu cá nhân, hộ gia đình lên nền tảng số. Năm 2022, Postmart.vn và hệ sinh thái số của Vietnam Post cam kết hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận với những thông tin hữu ích về thị trường nông sản; dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản; thông tin thời tiết, mùa vụ; cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số…
Postmart.vn cho biết sẽ đưa các ngành hàng như vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu, giống cây trồng mới…, kết nối giữa các hộ sản xuất nông nghiệp, nhà cung ứng vật tư, giống cây trồng với nhau; kết nối với nhiều ngân hàng để cung ứng các dịch vụ tín dụng cho nông dân; kết nối, liên kết và đầu tư nghiên cứu công nghệ chế biến nông sản…
Còn Viettel Post cho biết, đơn vị này đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Ngoài quy trình đưa sản phẩm lên sàn, nông dân được hướng dẫn chụp hình, phát trực tiếp (livestream) để tương tác với khách hàng. Mặt khác, nhân viên của Viettel Post đến tận vườn hướng dẫn bà con từ khâu thu hoạch, loại bỏ quả hỏng, đến đóng gói trong hộp tiêu chuẩn để sản phẩm tới tay người tiêu dùng được tươi ngon nhất.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho biết, năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu đưa sản phẩm của 5 triệu hộ nông dân lên sàn.
“Vỏ Sò phấn đấu trở thành sàn thương mại điện tử số 1 về đặc sản Việt Nam, giúp kết nối nhà sản xuất, nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng nội địa lẫn quốc tế, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên thế giới”, ông Sơn nói.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Vũ Chí Kiên, Phó vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ thông tin và Truyền thông), Tổ trưởng Tổ công tác 1034 cho rằng, các sàn TMĐT cần phải phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ sản xuất nông nghiệp; đổi mới phương thức mua bán và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Có thể thấy, hành trình đưa hàng triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT, biến mỗi hộ nông dân thành một “cửa hàng số” tiêu thụ nông sản đang bước vào giai đoạn mới. Trong giai đoạn này, yêu cầu đặt ra là phải tạo được đột phá về số lượng cũng như giá trị giao dịch trên sàn TMĐT, đồng thời xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho nông dân. Đây sẽ là cơ hội lớn cho không chỉ hàng chục triệu nông dân, mà còn cho cả các doanh nghiệp bưu chính, sàn TMĐT, logistics, các nhà cung ứng…