Doanh nghiệp
Xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA nhằm nâng cao hiệu quả thực thi
Thế Hải - 13/05/2024 14:05
Kế hoạch tuyên truyền về các FTA năm 2024 tập trung vào các chủ đề về Xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA; phát triển bền vững, hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA... nhằm nâng cao hiệu quả thực thi FTA đã ký kết.
Kế hoạch tuyên truyền về FTA được Bộ Công thương xây dựng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Công thương có văn bản gửi các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các Hiệp hội về Kế hoạch tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) năm 2024.

Kế hoạch này được xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ về việc thống nhất Kế hoạch tuyên truyền trên cả nước về các FTA để bảo đảm tối đa hiệu quả tận dụng nguồn lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương cũng như của các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, kế hoạch tuyên truyền về các FTA năm 2024 sẽ tập trung vào các chủ đề về Xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA; các nội dung liên quan phát triển bền vững theo các FTA; thông tin thị trường và hướng dẫn tiếp cận thị trường FTA; tuyên truyền về các chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng FTA; nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp tại thị trường FTA; hướng dẫn các cam kết trong các FTA..

Ngoài ra, kế hoạch còn hướng tới chủ đề tham gia chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI; đào tạo nguồn nhân lực thực thi FTA; tận dụng nguồn nhập khẩu để gia tăng tỷ lệ tận dụng FTA và phổ biến, hướng dẫn các FTA mới ký kết, phê duyệt hoặc phê chuẩn.

Việc tuyên truyền chủ yếu bao gồm các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn do các bộ, ngành, các tỉnh, thành và các hiệp hội dự kiến triển khai trên cả nước. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết thành công 16 FTA, trong đó, FTA mới nhất được ký kết trong năm 2023 là FTA với Israel, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế.

Việt Nam cũng lọt top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đã tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, liên tục xuất siêu, trong đó, năm 2023 là năm thứ 8 xuất siêu liên tiếp, với con số kỷ lục hơn 28 tỷ USD.

Việc triển khai các FTA đã ký kết đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Đơn cử như đối với CPTPP: tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với các năm trước. Ví dụ như: gạo tăng 2503.38%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 3648.96%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 134.68%, hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 66.96%.

Quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua hệ thống 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán tiếp tục là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn trong năm 2024 và nhiều năm tới.

Tin liên quan
Tin khác