Doanh nghiệp
Xây thành luỹ mới cho nhà cung cấp nội địa
Anh Hoa - 06/06/2016 09:51
Vingroup tiếp tục thể hiện sự khôn ngoan trên thị trường phân phối, bán lẻ trong bối cảnh thị tâm lý thị trường có phần bết bát trước sự đổ bộ ồ ạt của đối thủ Thái Lan. Nhưng, cùng một lúc bắt tay với 250 nhà cung cấp nội địa liệu có thực sự tạo ra thành luỹ vững chắc để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại.

Khởi đầu lan tỏa

Việc Vingroup cùng lúc ký kết với 250 doanh nghiệp là nhà cung cấp trong 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản tuần qua, theo ông Đào Thế Vinh, Tổng giám đốc Golden Gate (Cổng Vàng), là sự kiện kỷ lục chưa từng có trong lịch sử phân phối, bán lẻ Việt Nam.

Golden Gate là một tập đoàn sở hữu chuỗi nhà hàng có quy mô được xem là lớn nhất Việt Nam cũng là tên tuổi có mặt trong bản ký kết này. Với ông Vinh, sự hợp tác không đơn thuần vì Golden Gate là khách hàng VIP thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại của Vingroup, mà đi sâu vào tầm nhìn dài hạn trong chiến lược. Tức là, tạo ra hệ sinh thái để các nhà cung cấp nội địa liên kết tạo ra chuỗi giá trị bền chặt lâu dài.

Từ tháng 6/2016 - tháng 6/2017, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+… sẽ được hưởng mức chiết khấu 0%.

Theo bản cam kết, trong vòng 1 năm (từ tháng 6/2016 - tháng 6/2017), các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+ như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu 0%. Với thỏa thuận này, các nhà cung cấp được kỳ vọng sẽ có thời gian và kinh phí để tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm, từ đó tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Điều này có nghĩa là, sau khoảng thời gian được nhận hạn mức ưu đãi của Vingroup, các nhà cung cấp này buộc phải lớn mạnh lên.

Nhưng, đây cũng là con đường các nhà cung ứng nội địa đang muốn và sẽ phải đi đến. Bởi, cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều cảm thấy rất rõ sức nặng trên vai khi hàng hóa các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang phủ đầy các siêu thị lớn, nhỏ tại TP.HCM, Hà Nội và các  tỉnh, thành phố lớn. Bắt tay với Vingroup là cách để tìm nhanh hơn con đường đi lâu dài cho vận mệnh của các doanh nghiệp nội địa.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên, chủ trang trại hữu cơ Tuệ Viên (Gia Lâm) cho biết: “Vingroup giúp doanh nghiệp nhỏ kết nối, tạo sức mạnh tổng hợp trong thời gian đầu. Chúng tôi mạnh dạn hơn trong đầu tư trong thời gian tới. Trước đây, sản phẩm rau hữu cơ của trang trại chỉ phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở địa bàn lân cận. Khi thông qua hệ thống chân rết của Vinmart, Vinmart+, người tiêu dùng có thêm lựa chọn, nhưng cũng buộc doanh nghiệp này phải đảm bảo chất lượng, giám sát lại hệ sản xuất, niêm phong hàng hóa tránh trộn lẫn rau kém chất lượng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mọi, Chủ Doanh nghiệp tư nhân Ba Mọi (Ninh Thuận) chuyên cung cấp nho, táo đã đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Coopmart (Saigon Co.op - TP.HCM) và chuỗi 12 cửa hàng thực phẩm an toàn Bác Tôm (Hà Nội) thấy may mắn khi là một nhà cung cấp nhỏ được Vingroup chọn. Ông kỳ vọng, cái bắt tay với Vingroup sẽ được lâu dài.

Với ông Mọi, việc Big C nâng chiết khấu cao đối với các nhà cung cấp Việt Nam là vấn đề đáng lo ngại cho tương lai ngành phân phối, bán lẻ hiện đại của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà cung cấp trong nước không nên bi quan quá, vì khi sản phẩm đạt chất lượng cao thì không ngại cạnh tranh, kể cả với hàng ngoại.

“Tôi vẫn tin các tên tuổi bán lẻ Việt Nam luôn có sự ưu tiên cho hàng Việt Nam. Tôi chỉ ngại sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, khiến các nhà phân phối buộc phải nhập ngoại”, ông Mọi cho biết.

Theo quan điểm của các nhà cung cấp, Big C đã về với Thái Lan, nên việc len lỏi hàng Thái vào hệ thống này không quá khó đoán. Chính bởi vậy, cách bắt tay nhau cùng đối phó lại mưu đồ với đối thủ ngoại muốn áp đặt vào Việt Nam như cách Vingroup đang làm khiến các nhà cung cấp yên tâm  phần nào.

Tất nhiên, đó chỉ mới là bước đầu. Ông Mọi cho rằng, điểm mấu chốt vẫn là các nhà cung cấp nội cần thay đổi tư duy và cách làm, mục tiêu cuối cùng là làm sao sản phẩm có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế. Chỉ khi đó, Vingroup hay Golden Gate mới thực sự có được những nhà cung cấp nội địa có uy tín, có chất lượng sản phẩm tốt nhất như mong muốn.

“Hiện với cách nhìn của Golden Gate, sản phẩm ngoại luôn tốt hơn. Thực tế này là thách thức lớn đối với các nhà cung ứng nội địa. Nếu sản phẩm trong nước biết tập trung vào thế mạnh của mình, thì mới có cơ hội tạo nên sự sắc bén vượt trội. Đơn cử như các sản phẩm ẩm thực Việt Nam bán tại Golden Gate, thì nguồn cung cấp nội địa vẫn là số một. Nhưng vẫn có một số sản phẩm đặc thù như thịt bò, thịt lợn phải nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc theo nhu cầu của khách hàng”, ông Vinh cho biết.

Tạo thành luỹ vững chắc?

Không phủ nhận, Vingroup đang thể hiện là một người chơi khôn ngoan trên thị trường phân phối, bán lẻ trong bối cảnh thị tâm lý thị trường có phần bết bát, sau khi các đại gia của Thái Lan là TCC Group và Central Group lần lượt thâu tóm xong METRO Cash & Carry và Big C tại Việt Nam.

Cùng thời điểm đó, Big C nâng mức chiết khấu đối với các nhà cung cấp thuỷ sản từ 17-25% đã khiến dư luận sôi sục cho rằng, Big C làm khó và muốn đẩy các nhà cung cấp nội địa ra khỏi siêu thị. Mặc dù sau đó, đích thân ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và ông Guillaume Sénéclauze, Tổng giám đốc Big C Việt Nam đã cùng nhau đệ đơn lên lãnh đạo Bộ Công thương thể hiện sự cam kết tiếp tục chiến lược kinh doanh sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa tại Việt Nam.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam cũng cho rằng: “Quan điểm Big C đẩy các nhà cung ứng Việt Nam vào thế khó để cho hàng Thái vào là không đúng. Hiện này, vào bất cứ siêu thị nào của Big C, cơ cấu hàng Thái vẫn như trước kia, chủ yếu là những sản phẩm đồ da dụng, bánh kẹo. Quan điểm của chúng tôi là, vấn đề không nằm ở chỗ chúng tôi bán hàng Thái, mà người tiêu dùng có nhu cầu chọn lựa hàng hóa gì khi đến Big C”. 

Tất nhiên, động thái này không làm dư luận bớt lo ngại về nguy cơ cho vận mệnh của các nhà cung cấp nội địa trong nay mai. Điều này khiến mối liên kết mà Vingroup khởi xướng được trông đợi là một đối trọng đủ mạnh.

“Vingroup đã biết dựa vào sức mạnh của doanh nghiệp nội địa, để tạo sự cạnh tranh cao trong việc xác lập vị thế trên thị trường bán lẻ. Bởi, một siêu thị tốt phải sở hữu nhà cung cấp tốt. Doanh nghiệp sản xuất nhỏ và siêu nhỏ cần sự hỗ trợ qua giai đoạn khởi đầu, sau đó họ mới có thể sống trên đôi chân của mình. Nhưng thẳng thắn mà nói, doanh nghiệp trong nước không còn chỗ nào để lẩn tránh các cuộc đối đầu cạnh tranh. Vì vậy, họ cần ý thức nghiêm khắc và có động lực thay đổi”, ông Vinh phân tích.

Theo ông Vinh, để mối quan hệ với các nhà cung cấp được lâu dài, hai bên cần có chung suy nghĩ tầm nhìn dài hạn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể sản phẩm hiện nay, chưa có tiêu chuẩn đồng nhất với các nhà phân phối, bán lẻ uy tín, nhưng về dài hạn phải tiệm cận được.

Cái bắt tay này là sự khởi đầu không thể vui hơn với các chuyên gia, doanh nghiệp. Còn trong tương lai, các bên có làm việc được với nhau bền không tùy vào quyết tâm và thay đổi tư duy.

“Nói cho đến cùng, trong mối quan hệ kinh tế sòng phẳng, cách duy nhất có thể tồn tại là sản phẩm trở nên rất cạnh tranh, sự tín nhiệm trong tương lai cần phải được đảm bảo chứ không chỉ là những cam kết hay mong muốn nhất thời”, ông Vinh khuyến nghị.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng cho rằng, từ kinh nghiệm đã từng kết nối cho Coopmart (Saigon Co.op) với các nhà cung cấp trước đây, nếu Vingroup mà làm công việc này tận tụy thì họ sẽ thành công.

“Thách thức lớn nhất với Vingroup trong liên kết này là phải hành động cụ thể và sự tận tụy. Các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn kỳ vọng vào hiệu quả thực tế hơn là những gì có trên giấy tờ. Trong quá trình kết nối, chắc chắc sẽ sẽ nảy sinh bất cập khiến các mắt xích bung ra do hai bên chưa quen cách làm của nhau. Tôi hy vọng và chợ đợi vào kết quả lâu dài của mối quan hệ được cho là thành luỹ mới này”, bà Hạnh nói.

Tin liên quan
Tin khác