Chia sẻ với báo giới ngay trước thềm Japan Mobility Show 2023 diễn ra tại Tokyo, ông Masahiko Maeda, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tập đoàn Ô tô Toyota cho hay, Toyota sẽ tiếp tục phát triển để trở thành một công ty cung cấp giải pháp di chuyển thực sự, sẽ theo đuổi các lựa chọn đa dạng hướng tới trung hòa carbon.
Ông Masahiko Maeda, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tập đoàn Ô tô Toyota |
Với trường hợp cụ thể là châu Á, Tập đoàn Ô tô Toyota cũng cho rằng, đây là nơi có nhiều yếu tố đa dạng, ảnh hưởng đến hành trình hướng tới trung hòa carbon, vì thế công ty đã cân nhắc rất kỹ lưỡng các yếu tố về kinh tế, năng lượng, cơ sở hạ tầng và nhu cầu sử dụng để đưa ra cách tiếp cận toàn diện.
Theo hướng này, Toyota đang nỗ lực tiếp tục tạo ra những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường cụ thể để bất cứ người tiêu dùng nào cũng có được giải pháp của riêng mình, phù hợp với điều kiện thực tế của cá nhân nhằm góp phần vào mục tiêu trung hoà carbon.
Lãnh đạo Toyota châu Á cũng cho hay, “cam kết của tập đoàn là tiếp cận đa chiều, điều chỉnh các giải pháp điện hóa phù hợp với nhu cầu cụ thể của khách hàng và khu vực”.
Đơn cử Toyota đang có kế hoạch giới thiệu mẫu xe đa dụng quốc tế IMV 0 mới, được thiết kế dành cho khách hàng có thu nhập thấp hơn, với khả năng tùy chỉnh cao hơn, qua đó nâng cao khả năng di chuyển và cải thiện mức sống cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Bên cạnh đó, Toyota cũng khám phá các giải pháp di chuyển thay thế, đảm bảo sự hòa nhập cho những cá nhân có khả năng và thể chất khác nhau, bao gồm cả người già hoặc người khuyết tật.
“Toyota đặt mục tiêu hiện thực hóa khả năng di chuyển dựa trên các giá trị “không ai bị bỏ lại phía sau” và cung cấp các tùy chọn “tự do di chuyển cho tất cả mọi người” một cách tối ưu cho khách hàng”, đại diện lãnh đạo Toyota châu Á nói.
|
Đồng thời với việc cung cấp các giải pháp di chuyển đa dạng, Toyota đang không ngừng nâng cao các giải pháp kết nối để giúp cuộc sống của khách hàng cá nhân và khách hàng mua buôn trở nên dễ dàng hơn bằng cách cung cấp các giải pháp như hướng dẫn hành vi lái xe, theo dõi chống trộm hoặc tối ưu hóa tuyến đường.
Những giải pháp này cũng có thể được tích hợp vào cơ sở hạ tầng như mạng lưới năng lượng cho xe điện hoặc thậm chí tối ưu hóa cơ sở hạ tầng công cộng như đèn giao thông.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, vận tải hiệu quả, đặc biệt là đối với các phương tiện thương mại, góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí thải carbon”, ông Masahiko Maeda nói và cho hay, ba yếu tố Điện hóa, sự Đa dạng hóa và Trí thông minh phải kết hợp với nhau như một hệ sinh thái tích hợp để mang lại trung hòa carbon và giá trị đồng tiền.
Hiện tại Thái Lan, Toyota đã bắt đầu Dự án thử nghiệm Giấc mơ người Thái cùng với các thành viên của Hiệp hội Công nghệ Đối tác Thương mại Nhật Bản (CJPT) khác như Isuzu và Hino, nhằm mục đích hợp tác với cơ sở hạ tầng năng lượng, xe điện, dữ liệu và công nghệ thông tin của Thái Lan, bằng cách cộng tác với các đối tác có cùng quan điểm, các đối tác là các tập đoàn lớn như CP, SCG.
Dự này sẽ hiện thực ý tưởng sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có tại địa phương, cỗ máy đầu tiên sản xuất hydro từ khí sinh học trang trại gà sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 10/2023.
Thiết bị sản xuất Hydro có nguồn gốc từ khí sinh học này đang sử dụng khí sinh học CPS nguồn gốc từ chất thải trang trại, được sản xuất hàng ngày tại trang trại gia cầm của CP và Hydro được sản xuất sẽ sử dụng vào hoạt động hậu cần dành cho xe tải hydro chạy đường dài, do đó góp phần vào việc không phát thải trong vận chuyển hạng nặng.
Trong một thử nghiệm ban đầu, máy sẽ xử lý khí sinh học thành hydro sẽ có công suất 2kg/ngày (1Nm3/giờ).
Thiết bị sản xuất hydro được lắp đặt trong dự án được sản xuất bởi Mitsubishi Kakoki, công ty cũng đã phát triển công nghệ tiên tiến này, có thể hỗ trợ tự chủ năng lượng trên mọi thị trường, bao gồm cả Nam bán cầu. TMC và Toyota Tsusho cũng sẽ hợp tác phát triển hệ sinh thái hydro, bao gồm việc xây dựng và giới thiệu một hệ thống tổng thể để nén, lưu trữ và vận chuyển khí sinh học và hydro, cũng như thiết lập một hệ điều hành.
Toyota cũng cho hay, các giải pháp tương tự, tích hợp Điện hóa, sự Đa dạng hóa và Trí thông minh cũng đang được xem xét cho các thị trường khác.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư – baodautu.vn, về việc Việt Nam cũng là một nước nông nghiệp có sản lượng lúa gạo và các cây nông nghiệp cao cũng như đang hình thành ngành chăn nuôi quy mô lớn nên có nhiều phụ phẩm có thể là đầu vào cho sản xuất khí sinh học và tứ đó là Hydro, góp phần vào mục tiêu trung hoà carbon, ông Tiền Quốc Hào, Phó giám đốc điều hành Toyota châu Á cũng cho hay, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong làm khí Hydro. Hiện đã có các doanh nghiệp lọc hoá dầu tại Việt Nam sản xuất ra Hydro, cộng thêm đó, lợi thế bờ biển dài sẽ giúp việc vận chuyển Hydro được dễ dàng.
Ngoài ra, thực tế một số nước dùng các chế phẩm trong sản xuất dầu cọ để sản xuất ra Hydro thì việc Việt Nam có nhiều chế phẩm trong nông nghiệp cũng là tiền đề tốt cho việc sản xuất Hydro.
Ông Tiền Quốc Hào (giữa) đang chia sẻ về cơ hội của Việt Nam trong sản xuất khi hydro từ chế phẩm của ngành nông nghiệp |
Tuy nhiên ông Tiền Quốc Hào cũng cho hay, các công nghệ mới đòi hỏi các chi phí lớn và việc chuyển đổi cũng cần phải có sản lượng lớn mới có tính kinh tế.
Tại Việt Nam, Toyota đã thực hiện nghiên cứu hiệu quả ứng dụng xăng sinh học với mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế phát thải trên các ô tô động cơ đốt trong truyền thống cũng như dòng xe Hybrid.
Trong phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy xăng sinh học E5 giúp cắt giảm 3,04% lượng phát thải HC và 9,89% lượng phát thải CO trên xe xăng và cắt giảm được 16,67% lượng khí phát thải HC và 4,24% lượng phát thải CO trên xe Hybrid.
Đối với xăng E10, lượng khí phát thải được cắt giảm tương đương là 10,87% và 14,95% trên xe xăng và 7,14% cùng 8,7% trên xe Hybrid.
Trên đường thử thực tế với điều kiện tắc đường và tốc độ trung bình từ 11 đến 13 km/h, xăng sinh học E5 giúp xe Hybrid giảm đến 7,6% mức tiêu hao nhiên liệu so với xăng RON 95; còn xăng E10 giảm tới 7,8%. Xe hybrid cũng cho hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn ở cả 3 loại xăng so với xe động cơ đốt trong (ICE) từ 51% đến 53%.
Về mức phát thải, trong nhiều điều kiện hoạt động với cả 3 loại xăng, xe Hybrid đã cho hiệu quả cắt giảm CO2 tốt hơn xe sử dụng động cơ đốt trong, lớn nhất là 61% trong điều kiện nội đô. Đồng thời, dòng xe này cũng cho hiệu quả cắt giảm khí độc hại rõ rệt với cả 3 loại xăng, lớn nhất giảm 27% khí HC và 48% khí CO.
Đây cũng được cho là các giải pháp thực tế hơn cho một thị trường ô tô mới nổi như Việt Nam với mức tiêu thụ gần 5000.000 xe/năm cũng như nhu cầu tiêu thụ điện và năng lượng cho nền kinh tế vẫn tăng cao nhưng khả năng đáp ứng lại có nhiều thách thức và đã được minh chứng qua cắt điện diện rộng tại một số địa phương tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua.