Điểm nóng
Xem lại vì sao kiểm toán không phát hiện sai phạm tại EVN
Thanh Hương - 12/12/2013 16:07
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần xem lại vì sao hàng năm đều có kiểm toán, nhưng không phát hiện được sai phạm, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Sai phạm tại EVN: Kết luận "ngót" 6.000 tỷ so với dự thảo

Yêu cầu này liên quan đến Kết luận trước đó của TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của EVN.

Theo kết luận của Thủ tướng, TTCP phủ tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Kết quả thanh tra đã chỉ ra nhiều ưu điểm, khuyết điểm của EVN nhưng chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc mua xe ô tô vượt quá định mức quy định và đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính về hạch toán kinh phí mua xe quá quy định.

   
  Thủ tướng kết luận, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra việc
chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN
một cách nghiêm túc, có trách nhiệm
 

Đối với việc đầu tư ra ngoài, Thủ tướng cũng kết luận, đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp, gần 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVN cũng được yêu cầu cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn với các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, không được sở hở để một số đối tượng lợi dụng trục lợi.

Cho rằng EVN đã hạch toán đúng quy định pháp luật với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN tiến hành rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai.

Đối với câu chuyện đầu tư và chuyển giao mảng kinh doanh viễn thông sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội, trong đó có việc thu tiền cáp treo viễn thông, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và có quyết định xử lý cụ thể.

Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công thương về số tiền 163,21 tỷ đồng chi phí khởi động lại lò do xẩy ra sự cố phải ngừng hoạt động thuộc dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng mà EVN thanh toán, nhưng đồng thời yêu cầu EVN và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Liama) rà soát, bổ sung các điều khoản hợp đồng EPC Dự án để  có Phụ lục hợp đồng nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến thực hiện Dự án.

Cũng liên đến vụ việc này, Bộ Xây dựng được yêu cầu tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan (kể cả đối với cán bộ đã nghỉ hưu) trong việc Lilama kinh doanh thua lỗ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao TTCP phối hợp với Bộ Công thương rà soát, chuẩn bị kỹ để tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra và xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, trong tuần tới sẽ tổ chức họp báo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương sẽ tham gia và giải trình các vấn đề mà báo chí quan tâm liên quan đến hoạt động của EVN. 

Tuy nhiên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận xét, kết luận của Thủ tướng cũng nhấn mạnh, EVN không đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính nhiều. Các khoản đầu tư ngoài ngành mà TTCP nhắc tới thực chất vẫn là đầu tư vào kinh doanh điện.

Trước đó, sau khi hoàn tất cuộc thanh tra hoạt động năm 2011 tại EVN, TTCP đã có kết luận cho rằng, EVN đã chỉ ra những khoản đầu tư ngoài ngành hàng nghìn tỷ đồng nhưng kinh doanh lại ngập trong thua lỗ, nhiều khoản chi được hạch toán vào giá thành sản xuất điện trong khi quy định không cho phép hay sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân tại EVN.

Ngay sau đó, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN đã có văn bản gửi tới các cơ quan báo chí cho hay, trong 121.790 tỷ đồng đầu tư ngoài Công ty mẹ được TTCP nêu ra thì Công ty mẹ đầu tư vào Công ty con, công ty liên kết thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện 49.634 tỷ đồng (gồm các Tổng công ty phát điện, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực,..).

Công ty mẹ cho các công ty con vay lại 70.049 tỷ đồng (gồm các Tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực,..). Còn phần đầu tư ngoài ngành của Công ty mẹ chỉ có 2.107 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,7% trên vốn điều lệ).

Tin liên quan
Tin khác