Nhà đầu tư nườm nượp đăng ký
Chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 7/2023), hàng loạt nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) liên tiếp gửi văn bản đến UBND TP.HCM xin đăng ký đầu tư Dự án KCN Phạm Văn Hai I và II tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Trong danh sách các nhà đầu tư đăng ký có khá nhiều doanh nghiệp “có tiếng” trong lĩnh vực phát triển hạ tầng KCN tại TP.HCM như Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD), Tổng công ty IDICO, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên (CNS).
Dự án KCN ở TP.HCM này cũng nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung như Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.
Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, đầu tháng 7/2023, Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) đã có thư ngỏ gửi UBND TP.HCM bày tỏ sự quan tâm trong việc đầu tư vào KCN Phạm Văn Hai với diện tích 668 ha KCN và 100 ha khu đô thị dịch vụ phục vụ KCN.
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết đầu tư KCN Phạm Văn Hai trở thành KCN hiện đại nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao công nghiệp hỗ trợ có chuỗi cung ứng lớn trong khu vực.
Chưa khi nào dự án KCN tại TP.HCM thu hút được nhiều nhà đầu tư đăng ký như KCN Phạm Văn Hai. Sau khi nhận được hàng loạt đề xuất của nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã giao Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) thông tin về Dự án để doanh nghiệp biết.
Trong văn bản gửi các nhà đầu tư, Hepza cho biết, Ban Quản lý đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TP.HCM để lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Phạm Văn Hai I và II. Thời gian tới, Thành phố sẽ tổ chức thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Ban Quản lý sẽ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin đến các nhà đầu tư có quan tâm và tham gia theo đúng quy định của pháp luật.
Dự kiến khởi công vào quý II/2025
Đầu tháng 5/2023, Chính phủ đã ban hành quyết định bổ sung KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289 ha) vào Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP.HCM. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã giao Hepza lập kế hoạch chi tiết để thực hiện Dự án. Đến ngày 4/7/2023, UBND TP.HCM có Công văn số 2959/UBND-TH về thực hiện nội dung trễ hạn thuộc chương trình công tác, trong đó nêu: “Kế hoạch triển khai KCN Phạm Văn Hai I và KCN Phạm Văn Hai II diện tích 668 ha trễ hạn tháng 6/2023”.
Ngày 13/7/2023, Hepza đã gửi Văn bản số 2083/BQL-VP kèm Dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng KCN Phạm Văn Hai I và II. Theo Dự thảo, các thủ tục về lập và thẩm định quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12/2023. Sau đó, sẽ cập nhật vị trí và quy mô diện tích KCN Phạm Văn Hai I và II vào Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 12/2023.
Tiếp đến là đề xuất hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan tổng hợp trình UBND TP.HCM hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư (bao gồm dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư) thực hiện vào tháng 1/2024. Tháng 2/2024, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2024.
Cuối cùng là các bước lựa chọn đánh giá năng lực của nhà đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu sẽ thực hiện từ quý II đến quý IV/2024. Thời gian hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng hạ tầng KCN thực hiện từ quý II/2025.
So với việc xây dựng các KCN khác trên địa bàn TP.HCM, KCN Phạm Văn Hai I và II thuận lợi hơn rất nhiều khi 97% quỹ đất tại đây là đất nông nghiệp do TP.HCM quản lý nhưng hiệu quả kinh tế thấp do đất bị nhiễm phèn nặng, luôn bị xâm nhập mặn, nên việc giải phóng mặt bằng sẽ không mất nhiều thời gian.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho biết, khi bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và II, TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư lớn. Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam muốn đặt đại bản doanh hoặc trung tâm nghiên cứu phát triển tại TP.HCM. “TP.HCM còn tiềm năng rất lớn để đón các tập đoàn lớn. Có nhà đầu tư công nghệ cao quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD đang làm việc, có thể đến TP.HCM trong nay mai”, ông Hưng tiết lộ.