Dấu chân carbon (carbon footprint) là tổng lượng khí thải nhà kính phát sinh từ các hoạt động của con người, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Còn dấu chân carbon của sản phẩm (CFP) là lượng khí thải được tính toán trên cả vòng đời của một sản phẩm. Chỉ số này cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về mức độ phát thải CO2 của sản phẩm mà họ sử dụng.
Hiện nay, một số quốc gia đã bắt đầu dán nhãn công bố CFP lên các sản phẩm, giúp người tiêu dùng ngoài việc xem xét chất lượng và giá cả của một sản phẩm thì có thể cân nhắc thêm chỉ số CFP khi mua sắm.
Để tính CFP cho sản phẩm, các nhà sản xuất phải kiểm soát thông tin về vòng đời sản phẩm, bao gồm toàn bộ lượng khí thải nhà kính phát thải trong quá trình khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, phân phối, sử dụng và thải bỏ.
Năm 2023, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã buộc các nhà sản xuất nội địa phải tìm cách làm mờ dấu chân carbon và ban hành Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) nhằm kiểm soát dấu chân carbon của hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu. Theo đó, 6 nhóm hàng hóa để lại nhiều dấu chân carbon nhất trong quá trình sản xuất bao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydrogen.
Tại Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam đã ban hành ISO 14067:2020 năm 2020 nhằm đưa ra các yêu cầu, hướng dẫn cho doanh nghiệp định lượng và báo cáo dấu vết carbon của sản phẩm.
Tiêu chuẩn ISO 14067 cũng là chứng nhận duy nhất tập trung vào sản phẩm thay vì toàn bộ hệ thống quản lý.
Các doanh nghiệp Việt đang làm gì?
Những năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt đã tiến hành thực hiện các báo cáo nghiên cứu CFP theo tiêu chuẩn ISO 14067, kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064, hay báo cáo trung hòa carbon theo ISO 14068.
Ts. Tôn Thất Kiêm, Tổng giám đốc TUV Rheinland Việt Nam |
Ts. Tôn Thất Kiêm, Tổng giám đốc TUV Rheinland Việt Nam cho biết: “Mục đích của việc chứng nhận dấu chân carbon sản phẩm (CFP) là nhằm xác định tỷ lệ giảm lượng khí thải carbon trong vòng đời sản phẩm thông qua kiểm định của bên thứ ba và ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực giảm lượng khí thải của sản phẩm một cách minh bạch hơn. Vòng đời sản phẩm trong các quá trình khác nhau bao gồm toàn bộ lượng khí thải nhà kính phát thải trong quá trình khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, phân phối (vận chuyển), sử dụng và thải bỏ (tái chế)”.
TUV Rheinland là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật toàn cầu đến từ Đức, có chuyên môn về chứng nhận, thử nghiệm, kiểm định và đào tạo, giúp đảm bảo các ngành công nghiệp tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và môi trường quốc tế.
Kiểm kê và chứng nhận dấu chân carbon theo chuẩn ISO 14067 là một trong những dịch vụ mà TUV Rheinland cung cấp.
Theo Tổng giám đốc TUV Rheinland Việt Nam, hiện nay việc kiểm kê và chứng nhận dấu chân carbon được thực hiện ở 3 cấp độ: Cấp độ doanh nghiệp (CCF), Cấp độ sản phẩm (CFP) và Cấp độ Dự án. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc lựa chọn phương pháp tính toán và báo cáo cho phù hợp với mục tiêu và yêu cầu pháp lý.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng việc thực hiện các bước kiểm kê carbon sẽ giúp ích cho quá trình giao dịch tín chỉ carbon sau này của doanh nghiệp |
Tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” ngày 23/5, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) đã khẳng định tầm quan trọng của quy trình kiểm kê khí thải carbon.
Ông Thọ cho biết, các doanh nghiệp cần thực hiện kiểm kê từ khí thải carbon từ khi bắt đầu cho đến khi dự án kết thúc, nhằm tạo tiền đề cho việc mua bán, giao dịch tín chỉ carbon sau này.
Ông chia sẻ: “Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh nên tận dụng cơ chế thị trường quốc tế, chẳng hạn thị trường tín chỉ carbon. Các cơ chế này được thiết kế để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư ban đầu cho quá trình giảm phát thải”.
Kiểm soát dấu chân carbon của sản phẩm là một trong những chủ đề sẽ được thảo luận xuyên suốt tại chuỗi workshop RIS.ER Hub từ tháng 7 đến tháng 11 trong khuôn khổ chương trình RIS.ER24. Chương trình kết nối với chủ đề “Phát triển bền vững trong hệ sinh thái tái chế, năng lượng và tài chính xanh” dự kiến diễn ra ngày 26/7 tại TP.HCM.