Thời sự
Xuất khẩu nông sản đã tăng trở lại
Thùy Liên - 02/07/2015 10:28
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong tháng 5/2015, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt tới 2,7 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm trước (2,5 tỷ USD).Trong tháng 6 này, dự kiến xuất khẩu nông sản cũng tăng cao hơn cùng kỳ.

Con số sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14,42 tỷ USD, vẫn giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay vẫn còn 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm, đó là: chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm của xuất khẩu đã giảm đáng kể. Cụ thể, quý I/2015 xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm tới 13,2% thì tính đến hết quý II/2015, xuất khẩu toàn ngành chỉ còn giảm 2,8%. Đặc biệt, vài tháng gần đây, xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi.

“Xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 2,8% so với cùng kỳ song tăng trưởng đã có cải thiện những tháng gần đây. Cụ thể, xuất khẩu nông sản  tháng 5/2015 đạt hơn 2,7 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ là 2,5 tỷ USD, tôi tin rằng, tháng 6 này xuất khẩu cũng đạt cao hơn cùng kỳ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

Riêng với thị trường Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, xuất khẩu nông sản nước ta đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này. Cụ thể, 80% sắn lát nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc, 35% gạo và 40% cao su cũng xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trung Quốc là thị trường lớn, rất nhiều nước muốn đẩy mạnh quan hệ buôn bán với Trung Quốc trong khi Việt Nam có lợi thế là nước láng giềng, có thị hiếu tương tự nên cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, cả về tiểu ngạch lẫn chính ngạch. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, các bộ, ngành cũng đang tích cực vào cuộc để mở rộng thêm thị trường, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng, trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ thực hiện 3 giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản. Một là phải rà soát lại những nhóm sản phẩm có thể mở rộng thị trường, để đẩy mạnh sản xuất . Hai là đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Bà là làm việc với các thị trường để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về rào cản kỹ thuật, nhằm mở rộng xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA đã được ký kết.

Tại Hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp được tổ chức ngày 1/7, Bộ NN&PTNT cho biết, 6 tháng đầu năm,  ngành nông nghiệp tăng trưởng gần 2,4%, giá trị gia tăng sản xuất toàn đạt tương đương khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, những tháng cuối năm, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị toàn ngành phải  nỗ lực làm ra thêm 22 nghìn tỷ đồng thì nông nghiệp mới  tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ.   

Trong các ngành của lĩnh vực nông nghiệp, ngành trồng trọt gặp nhiều khó khăn bởi hạn hán kéo dài, còn ngành lâm nghiệp và chăn nuôi tăng trưởng khá tốt. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, hiện có nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi. “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào ngành chăn nuôi với số vốn cam kết lớn, có doanh nghiệp cam kết đầu tư 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020 vào lĩnh vực này” – ông Hoàng Thanh Vân cho hay.

Theo ông Vân, hiện các doanh nghiệp lớn đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Theo số liệu thống kê, ước đàn bò tăng 2,7% (riêng đàn bò sữa đạt 253,7 nghìn con, tăng 26,5%); sản lượng sữa tươi ước đạt 355,2 nghìn tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là một tín hiệu mới, thể hiện xu hướng phát triển tích cực của ngành. Song, theo ông Hoàng Thanh Vân, ngành chăn nuôi cũng đang lúng túng trong việc vận dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (Nghị định 210) cũng như chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ.

Còn ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay: “6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp đạt 8,3% - mức tăng tốt nhất trong những năm vừa qua. Khả năng cả năm lĩnh vực vực lâm nghiệp sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 10%”.  

Tin liên quan
Tin khác