Từ ngày 1/1/2030, hàng hoá xuất nhập khẩu với Trung Quốc chỉ được làm thủ tục tại các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Nghị định 122/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Theo đó nội dung Nghị định 122, từ 1/1/2029, khi mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Từ ngày 1/1/2030, hàng hóa chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Như vậy, đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam sẽ chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc từ 1/1/2030.
Bên cạnh đó, Nghị định số 122 năm 2024 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị định số 14 năm 2018 quy định về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.
Nghị định số 122 vẫn quy định 3 phương thức thanh toán là: Thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng); và thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, theo quy định mới thì phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Đối với tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới, Nghị định quy định, hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ).
Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ 9 tháng đạt 578,47 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 300 tỷ USD, tăng 15,4, nhập khẩu 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc 9 tháng đạt 148,6 tỷ USD, trong đó xuất sang Trung Quốc 43,6 tỷ USD, tăng 1%, nhập khẩu từ thị trường này 105 tỷ USD, tăng 32,5% , nhập siêu từ Trung Quốc 61,4 tỷ USD, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thương mại biên giới 2 nước, theo Tổng cục Hải quan, năm ngoái, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam sang Trung Quốc đạt 42,7 tỷ USD, tăng 63,9% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 17,2 tỷ USD, tăng 342,4%; nhập khẩu đạt 25,5 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt - Trung chủ yếu là cao su và các sản phẩm từ cao su, các mặt hàng nông sản, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, trái cây tươi các loại, thủy sản, gỗ ván bóc; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: máy móc thiết bị, điện năng, phân bón các loại, than cốc, nguyên liệu lá thuốc lá, trái cây tươi...