Tiêu dùng
Vàng hồi phục nhẹ sau 6 phiên giảm điểm liên tục, đồng USD vượt mốc 107 điểm
Phạm Anh - 04/10/2023 11:06
Việc chỉ số USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng cao kỷ lục đã khiến thị trường vàng mất đi động lực hồi phục.

Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 68,2 - 68,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 700.000 đồng/lượng.

Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới quy đổi rơi vào khoảng gần 15 triệu đồng/lượng.

Sau 6 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường vàng đã hồi phục trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, giá vàng hiện vẫn đang được giao dịch dưới mốc 1.830 USD/ounce và là mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây trước việc chỉ số USD và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng cao kỷ lục.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,04% còn 1.821,96 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 0,22% còn 1.837,5 USD/ounce.

Trong báo cáo cơ hội việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS) mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố, cơ hội việc làm, thước đo nhu cầu lao động, đã tăng lên 9,6 triệu vào tháng 8, cao hơn so với kỳ vọng của giới chuyên gia. Số liệu tích cực cho thấy điều kiện thị trường lao động thắt chặt có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuộc họp sắp tới.

Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định, báo cáo JOLTS đã khiến giới phân tích thị trường phải ngạc nhiên bởi khiến gia tăng triển vọng về một đợt nâng lãi suất khác nhưng cũng làm giảm kỳ vọng về sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ, gây áp lực lên thị trường vàng.

Kim loại quý này được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro từ lạm phát và những bất ổn kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng được định giá bằng đồng USD và không sinh lãi.

Một số nhà phân tích nhận định, dữ liệu JOLTS mới nhất tiếp tục hỗ trợ cho lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ, hiện đang giao dịch ở mức 4,75% (mức cao nhất trong vòng 16 năm). Vốn dĩ, lợi suất trái phiếu tăng cao sẽ là rào cản vô cùng lớn đối với sự phát triển của thị trường vàng.

Trong khi đó, chỉ số USD cũng đã tăng lên mức cao mới trong vòng 11 năm, đẩy đồng yen xuống vùng có nguy cơ phải can thiệp, sau khi số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã thúc đẩy quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao trong một thời gian dài hơn, đồng thời một số nhà hoạch định chính sách cảnh báo về nguy cơ thắt chặt hơn nếu tỷ lệ lạm phát không tiếp tục chậm lại như dự báo.

Sự phục hồi của đồng USD đã gây thêm áp lực lên đồng yen, đẩy đồng yên Nhật xuống gần mức 1 USD đổi 150 yen, ngưỡng tâm lý mà thị trường coi là ranh giới để Nhật Bản có thể tiến hành can thiệp.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,14% lên 107,15 điểm, duy trì mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 4/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.085 đồng/USD, tăng 20 đồng so với phiên trước.

Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.883 - 25.289 đồng/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.220 đồng/USD (mua vào) và 24.560 đồng/USD (bán ra).

Tin liên quan
Tin khác