Trong quý I/2024, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP |
Nỗ lực vực dậy nền kinh tế
Dữ liệu cho thấy một loạt các biện pháp hỗ trợ chính sách của Bắc Kinh trong vài tháng qua có thể đang giúp ổn định niềm tin mong manh của nhà đầu tư và người tiêu dùng, mặc dù giới phân tích cho rằng vẫn chưa rõ liệu sự phục hồi thương mại có bền vững hay không.
Số liệu hải quan công bố hôm 9/5 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng được các nhà kinh tế dự báo với Reuters. Tháng 3 ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm 7,5%, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2023.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng mạnh tới 8,4%, vượt mức tăng được dự báo là 4,8%. Đồng thời, kết quả này đảo ngược mức giảm 1,9% trong tháng 3.
"Giá trị xuất khẩu tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm trong tháng trước, nhưng điều này chủ yếu là do cơ sở so sánh thấp hơn", bà Huang Zichun, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận xét.
Bà Huang cho biết: "Sau khi tính đến những thay đổi về giá hàng xuất khẩu và tính thời vụ, chúng tôi ước tính rằng khối lượng xuất khẩu (tháng 4 - BTV) nhìn chung không thay đổi so với tháng 3".
Trong quý I/2024, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ cú hích của hai tháng đầu năm. Tuy vậy, tình hình sụt giảm trong tháng 3 đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng này có thể chững lại.
Theo ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại quỹ quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm đến nay. "Nhu cầu trong nước yếu dẫn đến áp lực giảm phát, giúp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc", ông Zhang lý giải.
Hầu hết các nhà quan sát thị trường Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh đã gặp thách thức khi tình hình lạm phát tiêu dùng, giá sản xuất và cho vay ngân hàng trong tháng 3 ám chỉ nền kinh tế này có nền tảng yếu.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài vẫn là lực cản đối với niềm tin chung, thúc đẩy những biện pháp gọi kích thích chính sách nhiều hơn nữa.
Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc xuống mức "tiêu cực", với lý do rủi ro đối với tài chính công trong khi tăng trưởng chậm lại và nợ chính phủ tăng lên.
Cũng trong tháng trước, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, bao gồm thông qua lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng, theo Reuters.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là khoảng 5%, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ là một thách thức khó đạt được nếu không có thêm nhiều biện pháp kích thích.
Chứng khoán Trung Quốc hôm 9/5 ghi nhận sắc xanh nhờ các tín hiệu tích cực về kim ngạch thương mại, với chỉ số blue chip CSI 300 tăng 0,9% còn chỉ số Hang Seng tăng hơn 1,1% sau giờ nghỉ giữa trưa.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng trong tháng 4 có thể không hoàn toàn liên quan đến nhu cầu trong nước như được thể hiện qua việc các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa.
Bà Wang Dan, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Hang Seng Bank (Trung Quốc), cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá ít nhất trong số tất cả các loại tiền tệ mạnh ở châu Á, điều này có lợi số liệu nhập khẩu tăng mạnh"
"Ngoài ra, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích trữ nguyên liệu thô trước khi giá tăng", bà Wang nói thêm.
Trung Quốc nhập khẩu 45,25 triệu tấn than trong tháng 4, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà sản xuất điện tăng cường mua hàng trước mùa cao điểm sử dụng máy điều hòa không khí.
Trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt tăng 1,1% do giá cả nhập khẩu thấp hơn trong tháng 3 đã khuyến khích một số nhà nhập khẩu đặt mua nguyên liệu sản xuất thép quan trọng và giá cả được dự báo tăng vào cuối năm.
Tháng 4 chứng kiến nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc tăng 18% so với một năm trước đó khi các nhà nhập khẩu tích cực mua hàng giá rẻ và dồi dào từ Brazil.
Mối lo dư thừa công suất
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 72,35 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo là 77,50 tỷ USD, nhưng cao hơn mức 58,55 tỷ USD vào tháng 3.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã gặp khó khăn trong hầu hết thời gian của năm ngoái khi nhiều thị trường nước ngoài gặp áp lực lãi suất tăng cao. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các quốc gia phát triển khác không vội cắt giảm lãi suất, thì các nhà sản xuất Trung Quốc có thể phải đối mặt với những căng thẳng hơn trong cuộc chiến tranh giành thị phần.
Giới phân tích cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm giá để duy trì doanh số xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn yếu. Mặt khác, các nhà máy sẽ vẫn sản xuất dư thừa, bất luận người mua có nhu cầu hay không.
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối diện mối lo suy thoái ngày càng lớn do năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc.
Vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi về chất lượng và tính bền vững của đà tăng xuất khẩu của nước này.
"Dư thừa công suất đã kéo giá xuất khẩu giảm và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng mạnh mẽ gần đây. Nhưng với biên lợi nhuận của các nhà sản xuất vốn đã bị thu hẹp, khả năng giảm giá của họ đã thấp đi và giá xuất khẩu hiện đang chạm đáy", bà Huang Zichun, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định.
Nữ chuyên gia cũng cảnh báo: "Việc đồng nhân dân tệ tăng giá theo trọng số thương mại như hiện nay sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn nữa".