Y tế - Sức khỏe
Yêu cầu các bệnh viện không cho phép hoặc hạn chế tối đa người đến thăm
D.Ngân - 16/06/2021 08:37
Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện không cho phép hoặc hạn chế tối đa người nhà đến thăm bệnh nhân tại các cơ sở này.

Trước việc nhiều cơ sở y tế của TP.HCM trở thành ổ dịch Covid-19, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường sàng lọc và quản lý người đến bệnh viện.

 Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường sàng lọc và quản lý người đến bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, từ ngày 28/4/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến rất nghiêm trọng, lây lan 39 tỉnh, thành phố trong nước. Nhiều bệnh viện đã có người bệnh mắc Covid-19 đến khám, chữa bệnh; có những bệnh viện đã phải phong tỏa, gây hậu quả lớn.

Do vậy Bộ này yêu cầu các cơ sở tập trung rà soát và củng cố, siết chặt khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm người vào bệnh viện. 

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện không cho phép người thăm (hoặc hạn chế tối đa); quản lý chặt chẽ người nhà người bệnh vào chăm sóc (nếu được cho phép) bằng các biện pháp như nhận diện vân tay hoặc gắn vòng đeo tay không tháo rời được…, bảo đảm không để tình trạng tự đổi người chăm sóc hiện vẫn xảy ra tại một số bệnh viện.

Với ổ dịch nghiêm trọng tại TP.HCM, theo TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, việc dịch Covid-19 tấn công vào bệnh viện ở khối nhiệm vụ hậu cần là một bài học sâu sắc cho bệnh viện trong việc không chỉ chú trọng nâng cao cảnh giác ở khối điều trị, tiếp xúc bệnh nhân, mà cần phải siết chặt công tác kiểm soát ở tất cả các phòng, ban trong toàn Bệnh viện.

Cũng theo TS.Châu, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã lường trước khả năng nhân viên y tế bị nhiễm bệnh cả trong điều trị và nhiễm từ ngoài cộng đồng. Do đó, bệnh viện đã liên hệ khách sạn để làm nơi nghỉ ngơi cho đội ngũ y tế chăm sóc bệnh nhân y tế để tránh nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng hoặc ngược lại nguy cơ mang mầm bệnh về nhà.

Tuy nhiên, do đội ngũ hậu cần quá đông, Bệnh viện không thể lo được phương án nghỉ ngơi tập trung sau giờ làm việc. Vì thế, việc đội ngũ này có thể đi về nhà sau giờ làm việc, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên có thể bị lây nhiễm trong cộng đồng. 

Bên cạnh đó, khối nhân viên văn phòng, vốn không tiếp xúc với người bệnh Covid-19, không có được thói quen đeo khẩu trang thường xuyên nên đã có thể không tuân thủ nghiêm khi ngồi làm việc tại văn phòng.

"Điều kiện làm việc trong các văn phòng kín, máy lạnh, chật hẹp, cộng với đặc thù công việc phải phối hợp, giao lưu giữa các phòng, ban; ăn uống trong môi trường bệnh viện nên nếu một người nhiễm có khả năng cao lây nhiễm cho người khác. Trong quá trình làm việc dù tuân thủ 5K đến đâu cũng không thể nào phòng tránh được lây nhiễm tuyệt đối”, ông Châu cho hay. 

Từ sự việc này, ông Châu nhấn mạnh, Bệnh viện đã rút ra được bài học sâu sắc, không chỉ cần nâng cao cảnh giác ở khối điều trị, tiếp xúc bệnh nhân, mà cần siết chặt công tác kiểm soát ở tất cả các phòng, ban trong toàn bệnh viện. 

Tất cả nhân viên y tế, kể cả những người không thuộc chuyên ngành sức khỏe công tác trong bệnh viện phải chấp hành nghiêm biện pháp 5K, sau giờ làm việc hạn chế tiếp xúc với người chung quanh, không tụ tập, không đi đến nơi đông người khi không cần thiết để tránh lây nhiễm bệnh từ cộng đồng.

5 bệnh viện tại TP.HCM có ca mắc Covid-19 phải cách ly y tế đã nối dài danh sách các bệnh viện- thành trì cuối cùng phòng chống Covid-19 bị "thủng lưới".

Trước đó, do trở thành ổ dịch nóng nhất Hà Nội mà 3 cơ sở của Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phải cách ly y tế, ảnh hưởng tới quá trình khám chữa bệnh của hàng ngàn người.

Một loạt cơ sở y tế khác như Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện Quân y 105, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An), Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng)… cũng bị cách ly do có ca bệnh Covid-19.

Ở 3 làn sóng dịch trước, đã có một số bệnh viện trở thành ổ dịch nghiêm trọng khiến công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Một số bệnh viện tư phải tạm đóng cửa để khắc phục do không đảm bảo các yếu tố an toàn phòng chống dịch như Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh viện Mắt HiTec, Bệnh viện Mắt Việt Nhật…

Liên quan việc điều trị ca bệnh Covid-19, tối ngày 15/6, Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 2 bệnh nhân Covid-19 nặng.

Bệnh nhân đầu tiên là nữ, H.T.H., 37 tuổi, nhập Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngày 26/5. Bệnh nhân được thở oxy nhưng diễn tiến bệnh không tốt.

Trước đó, các chuyên gia Trung tâm Hồi sức tích cực cũng đặt ECMO cho bệnh nhân N.T. T., 67 tuổi, ở Bắc Giang. Bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, sau đó nhập Bệnh viện Phổi Bắc Giang điều trị từ ngày 3/6 trong tình trạng khó thở, ho, SpO2 85%, được thở HFNC và lọc máu. 

Tính đến hiện tại Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bắc Giang đang điều trị cho 60 bệnh nhân. Trong đó, có 25 bệnh nhân được cai HFNC thành công, 8 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1 và 2 bệnh nhân có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 2.

Theo bản tin 6h ngày 16/6, Bộ Y tế công bố Việt Nam có thêm 91 bệnh nhân trong nước và một người nhập cảnh mắc Covid-19.
Các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân là Bắc Giang (61), TP.HCM (19), Bắc Ninh (9), Hà Tĩnh (2). Trong đó, 90 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc vùng phong tỏa.
Hà Tĩnh: Các bệnh nhân là F1 của BN10085, BN10556. Họ có kết quả xét nghiệm ngày 15/6 dương tính với SARS-CoV-2. Những người này đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Bắc Ninh: 4 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Quế Võ, 3 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Khắc Niệm, 2 ca là F1 của BN10811. Họ có kết quả xét nghiệm ngày 14-15/6 dương tính với SARS-CoV-2.
Bắc Giang: Các bệnh nhân được phát hiện trong khu cách ly và vùng phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.
TP.HCM: 13 ca là các trường hợp F1, 5 ca liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, một người đang được điều tra dịch tễ.
Tính đến sáng nay, Việt Nam có tổng cộng 9.657 ca ghi nhận trong nước và 1.647 ca nhập cảnh. Số lượng bệnh nhân mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 8.087 ca. Trong đó, 1.765 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số người phải cách ly ở Việt Nam là 182.462 người (tại bệnh viện: 2.045, cơ sở khác: 36.846, tại nhà, nơi lưu trú: 182.462).
Hơn 1,64 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được sử dụng để tiêm phòng cho những người thuộc diện ưu tiên. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 63.636.
Tin liên quan
Tin khác