Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là công trình trọng điểm của tỉnh, của TP. Thái Bình, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt |
1. Tin vui lớn đến với Đảng bộ và nhân dân thị xã Thái Bình, khi ngày 29/4/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Nghị định số 117/2004/NĐ-CP thành lập TP. Thái Bình trực thuộc tỉnh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Thái Bình. TP. Thái Bình có diện tích 4.330 ha và 143.925 nhân khẩu, 13 đơn vị hành chính, gồm các phường Lê Hồng Phong, Bồ Xuyên, Đề Thám, Kỳ Bá, Quang Trung, Phú Khánh, Tiền Phong, Trần Lãm, cùng các xã Hoàng Diệu, Đông Hoà, Phú Xuân, Vũ Chính và Vũ Phúc.
2. Ngày 13/12/2007, tại Nghị định số 181/2007/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ công nhận điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương, huyện Vũ Thư để mở rộng TP. Thái Bình, sáp nhập 5 xã Đông Thọ, Đông Mỹ, Vũ Đông, Vũ Lạc, Tân Bình về TP. Thái Bình, điều chỉnh địa giới hành chính phường, xã, thành lập phường Trần Hưng Đạo, phường Hoàng Diệu thuộc TP. Thái Bình.
3. Ngày 12/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2418/QĐ-TTg công nhận TP. Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình.
Ngày 7/4/2014, tỉnh Thái Bình cùng TP. Thái Bình long trọng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định công nhận TP. Thái Bình là đô thị loại II thuộc tỉnh Thái Bình và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng.
Cầu Thái Bình và cầu Bo lịch sử nối hai bên bờ Trà Lý, mở rộng không gian phát triển TP. Thái Bình |
4. Năm 2019 ghi thêm một mốc son mới, khi TP. Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 512/QĐ-TTg công nhận TP. Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
5. Ngày 12/12/2020, tỉnh Thái Bình và TP. Thái Bình long trọng tổ chức khánh thành công trình Đền thờ Bác Hồ cùng công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình rộng 28 ha bên dòng sông Trà Lý, phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình.
6. Ngày 25/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình ra Nghị quyết số 03 “Về xây dựng, phát triển TP. Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045”, phấn đấu đến năm 2025, TP. Thái Bình được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đến năm 2030 trong nhóm các đô thị phát triển khá, đến năm 2045 trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của khu vực.
Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, khu công nghiệp trọng điểm của TP. Thái Bình |
7. Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh Thái Bình ra Quyết định số 1261/QĐ-UB phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. Thái Bình đến 2035 tầm nhìn đến 2050, phạm vi Quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Thái Bình với 19 phường xã và 10 xã được dự kiến mở rộng.
8. Sau 20 năm thành lập, diện tích của Thành phố đã lên tới gần 7.000 ha, dân số trên 218.000 người, với 19 đơn vị hành chính, gồm 10 phường (Bồ Xuyên, Kỳ Bá, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tiền Phong, Trần Lãm, Hoàng Diệu, Phú Khánh, Lê Hồng Phong, Đề Thám) và 9 xã (Phú Xuân, Tân Bình, Vũ Phúc, Vũ Chính, Vũ Lạc, Đông Mỹ, Đông Hòa, Đông Thọ).
9. Kinh tế Thành phố tăng trưởng với tốc độ khá cao, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng nhanh, nông nghiệp giảm mạnh. Hình thành các khu công nghiệp lớn như Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà, cùng các cụm công nghiệp Phong Phú, Trần Lãm… Đưa vào hoạt động nhiều tuyến đường trọng yếu như vành đai phía Nam, Võ Nguyên Giáp, Kỳ Đồng, Lê Quý Đôn, Chu Văn An kéo dài… cùng những cây cầu hiện đại góp phần mở rộng không gian đô thị mạnh mẽ cả hai bờ Trà Lý.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt 51.066,5 tỷ đồng, quy mô kinh tế chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/năm. Có trên 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động. Thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt chỉ tiêu. Hai năm liên tiếp (2022, 2023), TP. Thái Bình đứng đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp huyện.
10. Văn hóa, xã hội, nhất là giáo dục, y tế luôn trong tốp đầu tỉnh, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện. Bộ máy hành chính sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
11. Vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thị xã Thái Bình (30/6/1954 - 30/6/2024) và 20 năm xây dựng và phát triển TP. Thái Bình, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thái Bình trân trọng ra mắt cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Thái Bình giai đoạn 2000-2020” tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân Thành phố cùng bạn đọc gần xa.
12. Ngày 26/6/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm ký Quyết định số 611/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Thái Bình vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân TP. Thái Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba... Nhiều phường, xã, đơn vị, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng nhiều huân, huy chương cao quý.