Selly – startup hoạt động theo mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng (social commerce) vừa công bố hoàn tất huy động 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ các quỹ đầu tư gồm CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và KVision.
Phía Do Ventures cho biết, chưa đầy một năm sau khi ra mắt, Selly giúp tạo việc làm cho hàng trăm nghìn phụ nữ và người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của Covid-19.
Selly được đánh giá là một trong những công ty tiên phong cho mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng tại Việt Nam khi xu hướng mua sắm trên các nền tảng cộng đồng đang ngày càng phát triển.
Theo báo cáo của Accenture, giá trị giao dịch mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội trên toàn cầu sẽ đạt mức 1.200 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần 3 lần so với mức 492 tỷ USD hiện nay.
Ông Thống Lê Anh Tuấn, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Selly cho biết, startup này muốn tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam, đặc biệt là người nội trợ và những lao động dễ chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế.
Với nguồn vốn mới huy động từ các Quỹ, Selly kỳ vọng có thể cải tiến sản phẩm, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho đối tác bán hàng và nhà cung cấp, đồng thời đưa Selly tới nhiều hơn các tỉnh thành nhỏ lẻ của Việt Nam để người dân tại đó có cơ hội tạo thêm thu nhập.
Ông Thống Lê Anh Tuấn (đeo kính, đứng hàng đầu) cùng đội ngũ vận hành Selly (Nguồn: DNCC). |
Sau 10 tháng hoạt động từ tháng 4/2021, Selly ghi nhận mức tăng trưởng kinh doanh gấp 300 lần, đồng hành với hơn 300.000 đối tác bán hàng; trong đó 80% đến từ các thành phố nhỏ, đa số là người nội trợ và những lao động bị mất việc do ảnh hưởng từ đại dịch.
Mô hình này của Selly có thể hỗ trợ các đối tác khởi sự kinh doanh, tạo nguồn thu nhập mà không cần bỏ vốn, không yêu cầu lưu kho và không cần lo đến khâu vận hành.
Mỗi người bán chỉ cần vài phút lựa chọn sản phẩm mình muốn kinh doanh từ nguồn hàng được trưng bày trên ứng dụng Selly, sau đó chia sẻ thông tin sản phẩm tới cộng đồng bè bạn và người quen xung quanh họ.
Với mỗi đơn hàng được chốt, hàng hóa sẽ được Selly vận chuyển đến khách hàng cuối cùng các dịch vụ hậu mãi đi kèm.
Bên cạnh đó, Selly cũng đang làm việc cùng hàng trăm nhà cung cấp là các xưởng sản xuất, nhà phân phối truyền thống để đưa thương mại sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng tại các tỉnh thành, đảm bảo toàn bộ khâu vận hành bán hàng và chỉ tính chi phí khi hàng được bán thành công.
Nói về một trong những lý do chọn đầu tư vào Selly, bà Amy Đỗ, giám đốc đầu tư tại JAFCO Asia muốn nhắc sứ mệnh của Selly trong việc giúp mọi người kiếm thêm thu nhập mà không cần đầu tư ban đầu, đặc biệt là nhóm những người mất việc làm hay thu nhập bị giảm sút.
"Trong thời kỳ khó khăn do Covid-19, Selly không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mà còn mang đến một công việc làm thêm ý nghĩa cho các đối tác bán hàng. Chúng tôi tin rằng Selly có đầy đủ tiềm năng để dẫn đầu lĩnh vực này trong những năm tới”, bà Amy Đỗ nói.
Chia sẻ trên trang cá nhân vào dịp sinh nhật 30 tuổi của mình hồi đầu năm nay, Thống Lê Anh Tuấn cho biết, bản thân đã “ôm mộng xây doanh nghiệp startup triệu đô” khi còn là sinh viên và bắt tay vào khởi nghiệp chỉ với “nhiệt huyết cùng 2 bàn tay trắng”.
Đến nay, bên cạnh Selly, Tuấn còn là nhà sáng lập của hàng loạt startup khác như ứng dụng tích điểm đổi quà Zody, “Quán ngon Đà Thành”- kênh chia sẻ ăn uống du lịch Đà Nẵng - Hội An, ứng dụng hoàn tiền khi mua sắm online Cashbagg, OnYeahP,...
Song, đã có những thất bại xảy ra trên hành trình phát triển sự nghiệp của nhà sáng lập trẻ tuổi này.
Dù vậy, Tuấn tin rằng, những thất bại ấy đã rèn luyện cho cậu sinh viên ngày nào trưởng thành hơn, tham vọng hơn khi đặt cho mình mục tiêu xây dựng startup "kỳ lân" (định giá trên 1 tỷ USD- PV) cho thập kỷ khởi nghiệp thứ 2 của mình.
Tham vọng ấy lại một lần nữa được chia sẻ công khai khi cụm từ “kỳ lân” vừa được nhắc đến trong dòng trạng thái mà Tuấn cập nhật vào ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2022 (nguyên văn: Khai xuân khí thế, sớm hoá kỳ lân).