AAV Group thông qua về việc vay 280 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Hải Dương, thời gian vay 36 tháng và mục đích vay thực hiện đầu tư dự án Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Trong đó, tài sản đảm bảo là toàn bộ các tài sản, quyền tài sản liên quan đến dự án đủ điều kiện thế chấp theo quy định của Pháp luật và Ngân hàng BIDV.
Được biết, theo Báo cáo thường niên năm 2023, AAV Group giới thiệu là chủ đầu tư dự án Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương (tên trước đây là Dự án Khu dân cư Sân Golf thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) với quy mô 8,9 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 168 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh sống khoảng 1.100 cư dân.
Về việc sử dụng nợ vay, tại thời điểm 31/3/2024, AAV Group mới sử dụng 71 tỷ đồng nợ vay, chiếm 7,8% tổng nguồn vốn, một tỷ lệ nợ vay khá thấp so với các doanh nghiệp bất động sản.
Lãnh đạo mới là những người “quen” của AAV Group
Một điểm đáng lưu ý, trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ 6 quý liên tiếp từ quý IV/2022 đến quý I/2024, AAV Group đã có nhiều nỗ lực thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo, tạo ra câu chuyện kỳ vọng tái cơ cấu nhờ ban lãnh đạo mới.
Trong đó, ngày 10/1/2023, AAV Group thực hiện miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Nguyễn Văn Chuyên và đồng thời bổ nhiệm thay thế ông Phan Văn Hải; ngày 22/3/2024, ông Phạm Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật đã nộp đơn từ nhiệm với lý do cá nhân và tới ngày 8/4, AAV Group đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch của ông Phạm Quang Khánh, bầu Chủ tịch mới là ông Nguyễn Thanh Tùng; ngày 8/4, Công ty cũng thực hiện miễn nhiệm thay thế một số thành viên HĐQT và Ban kiểm soát; và ngày 25/6, Công ty đã miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Tư và bầu thay thế ông Triệu Kiều Vũ.
Theo tìm hiểu, Tổng giám đốc Phan Văn Hải sinh năm 1987, ông Hải không phải người mới mà từ tháng 4/2019 đến tháng 1/2023 là người phụ trách quản trị, người uỷ quyền công bố thông tin tại AAV Group; và Chủ tịch Phạm Thanh Tùng sinh năm 1989, trước khi được bổ nhiệm từ năm 2022 đến nay, ông Tùng là Chủ tịch CTCP AAV Trading (Công ty con của AAV Group trong năm 2022 nhưng sau đó đã thoái vốn).
Thực tế, tại thời điểm 27/2/2024, AAV Group chỉ có hai cổ đông lớn sở hữu 29,17% vốn điều lệ, còn lại 70,83% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông nhỏ. Trong đó, ông Phạm Quang Khánh sở hữu 23,57% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thanh Tùng sở hữu 5,6% vốn điều lệ.
Thêm nữa, kể từ sau nhịp bán tháo chạm đáy tháng 11/2022 tới nay, AAV Group không ghi nhận biến động cổ đông lớn mua vào, chủ yếu là cổ đông nội bộ, Ban lãnh đạo bán ra cổ phiếu.
Như vậy, việc thay mới hai vị trí quan trọng là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT, đồng thời bổ nhiệm người trong công ty lên giữ vị trí mới trong khi cơ cấu cổ đông không có thay đổi đáng kể, điều này phát đi tín hiệu Công ty khó có một chuyển biến nào quá lớn khi chưa có nhóm cổ đông nào đáng kể trong quá trình tái cấu trúc sau 6 quý liên tục thua lỗ.
Với việc thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao, điều này cũng tạo ra sinh khí mới với câu chuyện tái cơ cấu với Ban lãnh đạo mới, điều này đã giúp cổ phiếu AAV có xu hướng giao dịch khá tích cực, vượt trội so với ngành và thị trường.
Thống kê từ ngày 16/4 đến ngày 30/5, cổ phiếu AAV đã tăng 153%, từ 3.000 đồng, lên 7.600 đồng/cổ phiếu, trở thành một hiện tượng khi cổ phiếu vốn hoá nhỏ đã tăng nóng so với thị trường, vượt trội hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, sau nhịp tăng nóng, cổ phiếu AAV có dấu hiệu giảm trở lại, tính tới ngày 11/7 chỉ còn 5.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 25% so với đỉnh ngày 30/5.
Được biết, cổ phiếu AAV có lịch sử lên nhanh và xuống khá nhanh. Trong đó, từ ngày 19/7/2021 đến ngày 1/10/2021, cổ phiếu AAV tăng 186,7%, từ 10.850 đồng, lên 31.110 đồng/cổ phiếu và cũng nhanh chóng giảm trở lại, tính tới ngày 21/6/2022, cổ phiếu chỉ còn 6.010 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 80,7% so với đỉnh ngày 1/10/2021.
Nỗ lực tái cấu trúc
Thực tế, về hoạt động kinh doanh, sau khi lỗ quý thứ sáu liên tiếp thêm 3,32 tỷ đồng trong quý I/2024, nâng tổng lỗ luỹ kế lên 15,58 tỷ đồng, bằng 2,26% vốn điều lệ.
Với việc kinh doanh thua lỗ dẫn tới Công ty đang ghi nhận lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/3/2024, vì vậy cổ phiếu AAV đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Về việc đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, AAV Group cho biết sẽ tích cực tìm kiếm các hoạt động kinh doanh mới tiềm năng và hiệu quả để tăng doanh thu và từ đó tăng thêm lợi nhuận, bù lỗ cho năm 2023.
Cùng với đó, Công ty sẽ theo dõi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện thủ tục pháp lý của các dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, thi công một số hạng mục còn lại để sản phẩm đủ điều kiện huy động vốn theo quy định; đồng thời hoàn thiện thủ tục về xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản dự án Khu dân cư phía Đông, đường Trần Hưng Đạo để tăng doanh thu bù đắp lợi nhuận cho Công ty.
Thực tế, pháp lý là vấn đề lớn của các doanh nghiệp bất động sản và khó thể giải quyết trong thời gian ngắn. Trong đó, tại dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu (TP. Chí Linh, Hải Dương), do chưa được phê duyệt điều chỉnh cũng như giải phóng mặt bằng, dự án hiện chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định. Trong khi đó, tại dự án Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo (đổi tên từ dự án Khu dân cư Sân Golf), nhà đầu tư vẫn đang trong quá trình xin gia hạn thời gian thực hiện dự án để triển khai các bước tiếp theo.
Tại dự án Côn Sơn Resort, AAV Group cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có thẩm quyền triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Còn tại dự án bất động sản khác như Công viên nghĩa trang Hoa Lạc Viên, doanh nghiệp đang tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.