Agribank xác định cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trọng tâm, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên, với nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững.
Ưu tiên nguồn vốn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao
Với vai trò chủ lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hàng năm, Agribank luôn dành 60-70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này và chiếm trên 50% thị phần tín dụng dành cho "Tam nông" hiện nay. Agribank đồng thời triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… giúp khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp và yên tâm sản xuất kinh doanh.
Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn, đồng thời tiết giảm chi phí để mở rộng vốn cho đầu tư tín dụng, giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các Bộ, Ban ngành nhằm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Agribank đang tích cực thực hiện chính sách về thúc đẩy ngân hàng xanh, cam kết áp dụng tiêu chuẩn ESG và tích hợp vào chiến lược kinh doanh để góp phần xanh hóa hoạt động ngân hàng, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng.
Agribank chủ động và tích cực đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao |
Agribank là Ngân hàng tiên phong dành nguốn vốn 50.000 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn, giảm các loại phí dịch vụ… Doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 25.000 tỷ đồng.
Agribank tích cực và chủ động tham gia các chương trình, đề án, dự án như: Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Nhiều vùng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đã được phát triển từ nguồn vốn Agribank
Từ nguồn vốn Agribank, nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất đã phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều vùng nông nghiệp sạch, công nghệ cao đã được hình thành trên khắp cả nước.
Gia đình anh Đinh Công Vàng (Ninh Thuận) buôn bán dưa lưới được khoảng 10 năm, sau này nhờ vay vốn Agribank, gia đình anh mới bắt đầu phát triển mô hình trồng dưa lưới, thu nhập cũng vì thế ổn định hơn. Hơn 7 sào dưa lưới theo mô hình công nghệ cao với vốn đầu tư ban đầu 450 triệu/sào. Vốn vay 1,7 tỷ đồng từ Agribank được anh Vàng sử dụng vào xây dựng cơ bản, áp dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, góp phần không nhỏ giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng đầu ra cho nông sản.
Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào hệ thống tưới tiêu, phân bón, trang trại dưa lưới của gia đình đã giảm bớt được số lượng nhân công, tăng năng suất lao động, tiết kiệm được không ít chi phí trong quá trình sản xuất. Anh Vàng chia sẻ, Agribank đã hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp và luôn tạo điều kiện cho gia đình được vay tối đa để đầu tư vào sản xuất.
Tới thăm Trang trại Huy - Toan (thuộc Công ty TNHH Huy Toan, tỉnh Điện Biên) - công ty gia đình hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt trên diện tích hơn 13 ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, có thể thấy rõ trợ lực của ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Công ty Huy Toan có quan hệ tín dụng với Agribank từ năm 2009 với số tiền vay ban đầu là 2 tỷ đồng và đến năm 2024, Công ty đã mở rộng kinh doanh với số tiền vay 9 tỷ đồng. Sau 15 năm, quy mô của Công ty đã phát triển lớn mạnh với một trang trại chăn nuôi, trồng cây có hệ thống tưới tiêu hiện đại hàng đầu trong tỉnh Điện Biên và tổng giá trị khoảng 60 tỷ đồng.
Bước vào khu chăn nuôi của trang trại đang nuôi gần 17.000 con gà thịt và gà đẻ trứng; tiếng nhạc bolero du dương, nhè nhẹ trong không gian xanh màu lá và không khí dễ chịu bởi hệ thống làm mát, khử mùi hôi… tất cả được ứng dụng công nghệ và sắp xếp khoa học. Chị Toan - chủ trang trại cho biết, trang trại là cơ nghiệp cả đời, nên 2 vợ chồng luôn tìm cách để áp dụng công nghệ, mang lại năng suất cao, hạn chế thất thoát. Bên cạnh chăn nuôi thành công, vợ chồng chị Toan, anh Huy cũng rất thành công trong việc trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trồng bưởi da xanh, giống bưởi có nguồn gốc ở Bến Tre, cho năng suất và chất lượng vượt trội.
Những nỗ lực của Agribank trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đã được cụ thể hóa bằng những mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao được phát triển từ Bắc vào Nam trên dải đất hình chữ S, mang lại sự phát triển ổn định về kinh tế cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp.
Một số vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao từ nguồn vốn Agribank như: Dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long (doanh số cho vay hơn 4.100 tỷ đồng); các dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận (doanh số cho vay hơn 3.700 tỷ đồng); dự án chế biến và kinh doanh lúa gạo tại Tỉnh Đồng Tháp (doanh số cho vay gần 2.300 tỷ đồng); Các Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại tỉnh Hà Nam (doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng); các dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang (doanh số cho vay của Agribank trên 3.500 tỷ đồng).
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như: trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), chế biến rau quả (Ninh Bình), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai…), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi), thức ăn, chăn nuôi heo, gà đẻ trứng (Bình Phước, Thanh Hóa), chanh dây, hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)…
Nhiều năm liên tiếp, Agribank được vinh danh "Ngân hàng hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu" |
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, nhập thiết bị, đào tạo nhân lực và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì lẽ đó, việc Agribank hỗ trợ vốn có vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu nền nông nghiệp, mang lại ý nghĩa và lợi ích rất lớn cho người nông dân.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì thế, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng là mục tiêu quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Agribank, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.