Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Phó thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI - Ngân hàng trung ương Ấn Độ) Michael D Patra dự báo quốc gia Nam Á có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai vào năm 2031 và lớn nhất thế giới vào năm 2060, nhờ vào “sức mạnh bẩm sinh” của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Patra, Ấn Độ sẽ phải vượt qua nhiều thách thức khác nhau liên quan đến năng suất lao động, cơ sở hạ tầng, đóng góp của ngành sản xuất trong cơ cấu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xanh hóa nền kinh tế để phát triển bền vững.
Trong bài phát biểu trước các quan chức của Cơ quan Hành chính Ấn Độ tại Học viện Hành chính Quốc gia Lal Bahadur Shastri, ở Mussoorie, bang Uttarakhand, ông Patra lập luận: “Với những sức mạnh bẩm sinh mà tôi đã mô tả và quyết tâm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình, có thể tưởng tượng Ấn Độ sẽ bước vào thập kỷ tiếp theo để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không phải vào năm 2048 mà là vào năm 2031 và nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2060”.
Cũng theo Phó thống đốc RBI, giới nghiên cứu ước tính nếu Ấn Độ có thể tăng trưởng với tốc độ 9,6%/năm trong 10 năm tới, đất nước tỷ dân sẽ thoát khỏi xiềng xích của bẫy thu nhập trung bình thấp và trở thành nền kinh tế phát triển. Ông giải thích: “Những thành tựu này cần được phản ánh qua thu nhập bình quân đầu người với 2 cột mốc: mức thu nhập bình quân đầu người từ 4.516 đến 14.005 USD để đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình và vượt xa mức đó để đạt được vị thế của một quốc gia phát triển ngày nay. Tuy nhiên, đến năm 2047, ngưỡng của các nước phát triển sẽ tăng lên 34.000 USD”.
Phó thống đốc Patra cho rằng tỷ giá hối đoái hiện tại được xác định trên thị trường có thể biến động mạnh. Do đó, việc áp dụng chúng làm mẫu số cho GDP tính bằng tiền tệ quốc gia có thể không phù hợp để so sánh giữa các nước khác nhau. Một biện pháp thay thế là Ngang giá sức mua (PPP). Đó là giá của một giỏ hàng hóa và dịch vụ trung bình ở mỗi quốc gia. Ông chỉ rõ: “Với PPP, sự so sánh thay đổi đáng kể. Về mặt PPP, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Cột mốc 5.000 tỷ USD cho năm 2027 tương đương 16.000 tỷ USD tính theo PPP”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo về mặt PPP, Ấn Độ sẽ vượt Mỹ vào năm 2048 để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.