Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh có nhiều sản phẩm đã sẵn sàng “lên kệ” |
Bước chuyển trong hoạt động kinh doanh
Công ty cổ phần SJ Group (mã SJS - HoSE) từng được biết đến như một “thế lực” trong lĩnh vực bất động sản, với tên gọi Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Sau khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn thành công và chuyển giao cho nhóm cổ đông mới, Sudico đã tiến hành những bước tái cơ cấu và chính thức đổi tên thành SJ Group từ tháng 4/2024.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 đã phần nào hé lộ những bước đi tái cơ cấu của doanh nghiệp này. Cụ thể, quý II/2024, SJ Group ghi nhận doanh thu thuần 120,7 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp xấp xỉ 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 6,3 tỷ đồng.
Do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh, còn 2,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 108 tỷ đồng, nên sau khi trừ chi phí và thuế, SJ Group ghi nhận lãi sau thuế 51,5 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 11%. Lý giải nguyên nhân, SJ Group cho biết, trong quý II/2023, Công ty có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết.
Đáng chú ý là, trong tổng doanh thu của SJ Group quý II/2024, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản là 99 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận. Đây là mảng kinh doanh mang lại biên lợi nhuận rất cao cho Công ty, khi mà giá vốn hàng bán trong nửa đầu năm chỉ là 22 tỷ đồng. Được biết, đây là doanh thu ghi nhận từ hoạt động bán hàng tại Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SJ Group ghi nhận doanh thu 239 tỷ đồng, lãi sau thuế 95,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 227% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, SJ Group đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 858 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, SJ Group còn đang cách mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2024 khá xa.
“Của để dành” ẩn mình trong hàng tồn kho
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của SJ Group đạt 7.730 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với thời điểm cuối năm 2023.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của SJ Group tại ngày 30/6/2024 ghi nhận 4.913 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2023. Trong đó, vay ngắn hạn là 505 tỷ đồng, vay dài hạn là 519 tỷ đồng, đều giảm so với cuối năm 2023.
Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của Công ty đến cuối quý II/2024 đạt 2.817 tỷ đồng. Trong đó, vốn cổ phần đã phát hành là gần 1.149 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển lên tới hơn 750 tỷ đồng, lãi sau thuế chưa phân phối 688 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phần lớn giá trị tài sản của Công ty được hạch toán vào hàng tồn kho và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn, với giá trị lần lượt là 4.261 tỷ đồng và 2.312 tỷ đồng.
Đối với giá trị hàng tồn kho, gần như toàn bộ được ghi nhận cho Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, với giá gốc 4.192 tỷ đồng. Như đã phân tích ở trên, trong quý II/2024, SJ Group đã ghi nhận doanh thu từ bán hàng tại Dự án gấp hơn 4 lần giá vốn. Như vậy, với giá trị hàng tồn kho 4.192 tỷ đồng, dự án này tiếp tục là “của để dành” chiến lược của SJ Group trong tương lai.
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT SJ Group Đỗ Văn Bình cho biết, Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh có nhiều sản phẩm đã sẵn sàng “lên kệ”, nhưng do các dự án thành phần dịch vụ, hạ tầng chưa hoàn thiện, nên mức giá bán chưa cao, còn thấp so với mặt bằng chung khu vực.
Đối với chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn, SJ Group đang ghi nhận chi phí sản xuất tại các dự án khác như Dự án Khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng (1.239 tỷ đồng), Dự án Văn La - Văn Khê - Hà Đông (547 tỷ đồng), Dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (173 tỷ đồng), Dự án Tiến Xuân (157 tỷ đồng), Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh mở rộng (110 tỷ đồng), Dự án Khu đô thị Thịnh Lang - Hòa Bình (73,6 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo SJ Group kỳ vọng, nếu thuận lợi, năm 2024, sẽ có thể bán hàng các sản phẩm khu thấp tầng và sang năm 2025 sẽ là các khu cao tầng tại Dự án Văn La - Văn Khê. Đây cũng là điểm chính giúp dòng tiền của Công ty dồi dào hơn.