Thời sự
Bắc cây cầu đầu tư Việt Nam - Campuchia
Bá Thư - 15/01/2014 08:33
 Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 4 vừa diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) ghi nhận một kỷ lục về số lượng đại biểu tham gia đông đảo nhất với 600 đại biểu (trong đó có 450 Doanh nghiệp 2 nước, gấp 2,5 lần số Doanh nghiệp dự Hội nghị lần trước, riêng Việt Nam là 200 đại biểu, Camphuchi là 250 đại biểu). >>> Xây dựng cầu Long Bình - Chreythom nối Việt Nam và Campuchia >>> Vinamilk đầu tư Nhà máy sữa 23 triệu USD tại Campuchia >>> Metfone, cầu nối kinh tế Việt  Nam - Campuchia

Với sự chủ trì, trực tiếp điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và
Thủ tướng Hun Sen, hơn 600 đại biểu đã tham dự Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 4

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) đánh giá, đây không chỉ là sự vượt trội về con số đơn thuần, mà nó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam và Campuchia.

"Vừa qua, Chính phủ, Hội đồng phát triển Campuchia CDC và các Bộ Ngành của Campuchia chỉ trong thời gian ngắn (không quá 2 tuần) đã nhanh chóng có văn bản phúc đáp thư đề xuất, kiến nghị của các Nhà đầu tư Việt Nam nhân chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia tại Việt Nam và làm việc với AVIC vào ngày 27/12/2013. Điều này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm rất cao của Ngài thủ tướng và các cơ quan của Campuchia, đây thực sự đã tạo thêm sự phấn khích và tin tưởng của các Nhà đầu tư Việt Nam để tiếp tục yên tâm, quyết tâm thực hiện hợp tác đầu tư tại Campuchia", ông Hà bày tỏ.

Sự quan tâm sát sao và hiệu quả đó càng có ý nghĩa hơn trong điều kiện nền kinh tế khó khăn hiện nay, khẳng định niềm tin, định hướng đầu tư đúng đắn vào Campuchia của các Doanh nghiệp Việt Nam, như tình hữu nghị, đoàn kết hai nước Việt Nam - Campuchia đã được lịch sử và nhân dân hai nước ghi nhận.

Ông Trần Bắc Hà cho biết, sau 4 năm thành lập và hoạt động tích cực, quán triệt tôn chỉ, mục đích từ khi thành lập, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính Phủ Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực có trách nhiệm của Chính Phủ Hoàng Gia Campuchia, AVIC đã luôn thể hiện được vai trò cầu nối, dẫn dắt chủ đạo trong việc kết nối các hoạt động đầu tư, thương mại Việt Nam – Campuchia với những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, trước hết phải nói đến vai trò tập hợp, gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam thành một khối thống nhất trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Campuchia; thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm theo mong muốn của Chính Phủ Campuchia; kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối với những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng tiến độ, cam kết;

Bên cạnh đó, AVIC đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, là kênh thông tin quan trọng, thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm đến Thủ tướng hai nước, hỗ trợ doanh nghiệp kiến nghị các khó khăn vướng mắc, các vấn đề về cơ chế, chính sách và biện pháp tháo gỡ tới Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngành chức năng hai nước;

Với sự tích cực của mình, AVIC đã tham gia có trách nhiệm các sự kiện hợp tác kinh tế lớn của hai nước; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cùng các cơ quan chức năng hai nước tổ chức thành công 3 Hội nghị xúc tiến, hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia; tích cực tham gia, phối hợp với các bên liên quan, đề xuất cơ quan chức năng các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp các thành viên hiệp hội cũng như các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia.

Song song với hoạt động kinh doanh, AVIC rất quan tâm đến việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng, với tổng mức hỗ trợ đăng ký tính đến nay trên 35 triệu USD, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, hỗ trợ người nghèo... Riêng trong năm 2013, kinh phí hỗ trợ an sinh xã hội của các thành viên AVIC đã thực hiện khoảng 5 triệu USD.

Những hoạt động của AVIC đã góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai quốc gia, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam và Campuchia đã có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Có thể nói, những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã bám sát, triển khai quyết liệt với phương châm “lời hứa đi đôi với việc làm” trong triển khai các dự án đầu tư vào Campuchia, được minh chứng bằng những kết quả cụ thể.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đạt trên 3 tỷ USD với 127 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với năm 2009, xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Để tăng cường xúc tiến đầu tư của Việt Nam sang Campuchia, các hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Campuchia được tổ chức thường niên, luân phiên giữa hai nước và đã trở thành sự kiện kinh tế quan trọng trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia (từ Hội nghị xúc tiến đầu tư đến Hội nghị Hợp tác đầu tư).

Điểm nổi bật của các kỳ Hội nghị xúc tiến đầu tư là đều nhận được sự quan tâm của Chính phủ hai nước, do Thủ tướng chính phủ hai nước trực tiếp chủ trì và điều hành. Hội nghị cũng được tổ chức luân phiên hàng năm giữa Việt nam và Campuchia (lần thứ nhất vào tháng 12/2009, tại thành phố Hồ Chí Minh; lần thứ 2 vào tháng 4/2011, tại Cung Hòa Bình, thủ đô PhnomPenh - Campuchia, lần thứ 3 vào tháng 6/2012 tại tỉnh Kiên Giang, Việt Nam);

Qua các kỳ hội nghị này, có nhiều Hiệp định, Thỏa thuận, Chứng nhận đầu tư,... được ký và trao tại hội nghị, bao gồm 1 Hiệp định khuyễn khích và bảo hộ đầu tư; 07 Thỏa thuận, MOU; 9 Chứng nhận đầu tư vào CPC; 7 giấy phép chấp thuận đầu tư vào Campuchia.

Qua các kỳ Hội nghị, doanh nghiệp Việt Nam đã gắn hoạt động hợp tác kinh tế với trách nhiệm đối với cộng đồng (đã có 5 thỏa thuận hỗ trợ an sinh xã hội đã được ký.

Sau ba Hội nghị, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2013, mặc dù kinh tế Việt nam còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời sau kết quả bầu cử ngày 28/07/2013, mặc dù có những xáo trộn tại Campuchia nhưng hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia vẫn đạt mức tăng trưởng khá với tổng vốn đăng ký cấp mới phía Việt Nam trong năm 2013 đạt 364 triệu USD với 19 dự án được cấp phép. Điều này khẳng định niềm tin của các Nhà đầu tư Việt Nam vào thị trường Campuchia và chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đầu tư của Việt Nam sang Campuchia còn một số hạn chế, khó khăn: Vốn giải ngân chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đăng ký; một số dự án chưa triển khai theo kế hoạch dự kiến, một số nhà đầu tư còn có quan điểm đầu tư thu lợi trong ngắn hạn, chưa chú trọng đến đầu tư trung và dài hạn; một số doanh nghiệp chưa chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật, cập nhật những điều chỉnh chính sách mới của Campuchia để có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược đầu tư; về phía Campuchia, các khó khăn về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo…

Trên cơ sở kết quả đạt được và đánh giá những tồn tại, hạn chế cũng như rút ra được những nguyên nhân phát sinh, AVIC đã đề xuất một số vấn đề trọng tâm trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Thứ nhất, về mục tiêu:Phấn đấu đến năm 2015: (i) FDI của VN tại CPC đạt 4-4,2 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng trên 2 tỷ USD (ii) Kim ngạch XNK hai chiều đạt 5 tỷ USD; (iii) du lịch tăng trưởng trên 30%/năm ước đạt 1,6 triệu lượt.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện, cần lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, chủ trì, đi đầu tham gia đầu tư vào từng lĩnh vực chủ chốt, tiềm năng thế mạnh của CPC để tạo sức mạnh lan tỏa, thu hút và chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng đầu tư;

Chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy hải sản, khai khoáng... là những lĩnh vực được Campuchia quan tâm và thu hút đầu tư;

Cần có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các ngân hàng Việt Nam hỗ trợ vốn cho các Nhà đầu tư Việt Nam triển khai các dự án FDI.

Ông Trần Bắc Hà cũng bày tỏ, AVIC mong muốn, qua Hội nghị này, thông điệp gửi đến các nhà đầu tư là Chính phủ hai nước đang xây dựng niềm tin – đầu tư bền vững lâu dài, trong đó ưu tiên xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế giữa hai nước trong dài hạn đến năm 2020, sớm kết nối 2 nền kinh tế Việt nam – Campuchia trước năm 2015.

Rà soát bổ sung các Hiệp định kinh tế giữa hai nước và các Bộ ngành để có hướng dẫn triển khai các Hiệp định. Định kỳ hai bên phối hợp rà soát lại các Hiệp định, văn bản pháp lý ký kết giữa hai nước để sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; trước mắt đề nghị sớm hướng dẫn triển khai thực thi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký kết tháng 6/2012 và hoàn thành ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thành lập Tổ công tác liên Bộ có sự tham gia của AVIC và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia, giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hai nước kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý, ban hành luật pháp để đảm bảo sự an toàn và khẳng định quyền hợp pháp các giá trị đầu tư của các Nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia.

Các nhà đầu tư Việt Nam cam kết Nghiêm túc tuân thủ pháp luật của Việt Nam và Campuchia trong hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch..., gắn hoạt động hợp tác kinh tế với trách nhiệm đối với cộng đồng (an sinh xã hội); Nghiêm túc thực hiện đúng cam kết với chính phủ Campuchia, tập trung nguồn lực đầu tư hiệu quả, đúng tiến độ các dự án đã được cấp phép đầu tư, hợp tác chặt chẽ với chính quyền và người dân tại khu vực triển khai dự án, khẳng định đầu tư lâu dài ổn định đem lại lợi ích “win win” cùng thắng cho cả Campuchia và các nhà đầu tư Việt Nam.

* AVIC được thành lập và ra mắt tại Hội nghị hợp tác đầu tư lần thứ nhất giữa hai nước dưới sự chủ trì của Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia được tổ chức tại T/p HCM tháng 12/2009. Sau 4 năm hoạt động, đến nay AVIC đã có gần 80 doanh nghiệp hội viên trong đó có nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vinacomin, VietNam Airlines, Tập đoàn cao su, Tổng Công ty 15, Phân bón Năm sao, BIDV...

* Những kết quả quan trọng của xúc tiến đầu tư Việt Nam vào Campuchia :

(i)- Gia tăng mạnh mẽ thứ bậc của Việt nam trong số các Quốc gia, Vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào Campuchia, từ top các Nhà đầu tư ở mức trung bình trong 50, sau một thời gian ngắn đã vươn lên đứng thứ 5 trong top 50, đồng thời đầu tư của Việt Nam sang Campuchia cũng đứng thứ 02 trong tổng số đầu tư của Việt Nam ra hơn 50 Quốc gia và Vùng lãnh thổ;

(ii)- Các dự án đã được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực trọng yếu theo chỉ đạo của Chính Phủ, qua đó gia tăng và khẳng định nhân tố ngày càng quan trọng trong hợp tác kinh tế đầu tư Việt Nam – Campuchia của cộng đồng các nhà đầu tư Việt Nam, nhiều dự án lớn trong những lĩnh vực Hàng không, Tài chính – Ngân hàng, Nông nghiệp, Năng lượng, Khai khoáng, Viễn thông có tác động thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế then chốt của Campuchia. Các như dự án quan trọng trong các lĩnh vực trọng điểm mà chính phủ Campuchia kêu gọi đã được đầu tư và đưa vào sản xuất khai thác như các dự án trồng cây cao su của Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn CT Group, Dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Năm Sao Campuchia, Dự án Nhà máy Sản xuất Phức hợp Đường, Ethanol và Nhiệt điện tại tỉnh Kratie-Campuchia..v.v…

Những kết quả đạt được này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho trên 30.000 nghìn lao động và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của Campuchia trong những năm qua.

- Về thương mại: năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với năm 2009, xếp thứ 3 trong các quốc gia có quan hệ hợp tác thương mại với Campuchia, đạt mức tăng trưởng cao trên 30%/năm, chiếm tỷ trọng gần 22% kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 của Campuchia .

- Về du lịch: Năm 2013 đã có 850 nghìn lượt khách du lịch Việt Nam đến Campuchia, nâng tổng lượng khách du lịch hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng gần 2,5 lần so với năm 2009, Việt Nam vẫn tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về số lượng du khách đến Campuchia, (chiếm khoảng 21%).

Tin liên quan
Tin khác