Thời sự
Bài học “đắt giá” điện mặt trời và đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện
Thanh Hương - 12/05/2020 08:49
Trong chưa đầy 2 tháng, Bộ Công thương đã liên tục có 3 công văn đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch và kéo dài thời gian áp dụng giá mua điện cố định (FIT) với loại hình này tới hết năm 2023.

Mặc dù Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang còn hiệu lực đã bị phá vỡ bởi việc bổ sung tràn lan các dự án điện mới trong khi các dự án điện đã được ghi danh không thể triển khai đúng như tiến độ, kế hoạch, cũng như Quy hoạch phát triển Điện VIII (Tổng sơ đồ 8) đang được yêu cầu trình Chính phủ vào tháng 10/2020 này, nhưng trong 2 tháng qua, Bộ Công thương đã liên tục có nhiều công văn đề nghị bổ sung 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch điện hiện hành.

Tính đến tháng 3/2020, Việt Nam đã có 78 Dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.800 MW được bổ sung quy hoạch; 11 Dự án (tổng công suất 377 MW) đã vận hành phát điện; 31 Dự án (tổng công suất 1.62 MW) đã ký hợp đồng mua bán điện dự kiến đi vào vận hành năm 2020 - 2021. Ngoài ra, còn 250 Dự án với tổng công suất khoảng 45.000 MW đang đề nghị được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.
Nguồn Bộ Công thương

Đáng nói là trước 7.000 MW điện gió đang được đề nghị bổ sung hiện nay, các cơ quan chức năng đã bổ sung tới 4.800 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.

Trên thực tế, làn sóng đầu tư vào điện gió từ các doanh nghiệp tư nhân chỉ xuất hiện sau khi có Quyết định 39/QĐ-TTg (ban hành năm 2018) công bố giá mua điện gió là 8,5 UScent/kWh cho dự án trên bờ và 9,8 UScent/kWh cho dự án ngoài khơi.

Mức giá này cũng được cho là khá hấp dẫn, bởi cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà ngành điện đang bán tới tay các hộ tiêu thụ hiện nay là khoảng 8 UScent/kWh.

Lý giải cho việc đề xuất bổ sung 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch điện hiện nay, Bộ Công thương đã đưa ra việc các dự án điện hiện có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khiến việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Công thương, dự báo năm 2023 có thể thiếu trên 13 tỷ kWh điện, trong khi đã phải phát dầu gần 11 tỷ kWh nếu không triển khai ngay một số giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời hay tăng cường mua điện từ các nước trong khu vực.

Tổng công suất nguồn điện ở thời điểm năm 2020 này là 56.000 MW, trong đó điện mặt trời chiếm khoảng 10% - tuy nhiên sản lượng điện mặt trời đóng góp cho hệ thống chỉ chiếm 4%.

Đáng chú ý là hiện có rất nhiều dự án điện mặt trời được các doanh nghiệp tư nhân trong nước đứng ra xin làm chủ đầu tư nhưng sau khi xin được dự án hoặc đóng điện vận hành đã nhanh chóng bán lại cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước lân cận. 

Trong công thư gửi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vào ngày 15/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã viết:
“Phát triển điện mặt trời là một kinh nghiệm đắt giá. Nay điện LNG, điện gió đang có xu hướng tương tự. Nhiều tỉnh thành trong cả nước thời gian qua như một phong trào liên tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch. Công tác quản lý Nhà nước và quy hoạch ngành điện đã không theo kịp thực tiễn phát triển.
Thường trực Chính phủ chưa đủ cơ sở để họp xem xét chủ trưởng điều chỉnh mục tiêu phát triển điện gió tới năm 2025 và năm 2030. Yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Tổng sơ đồ điện 8 với các tính toán khoa học, thực tiễn về cơ cấu nguồn và truyền tải để đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững. Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ muộn nhất tháng 10/2020”.
Tin liên quan
Tin khác