Khó giải nhất chính là kích cầu của thị trường nước ngoài, bởi xuất khẩu luôn phụ thuộc nhu cầu của thị trường nước ngoài. Dù khó có thể “với tay” sang để giải quyết câu chuyện kích cầu, song Việt Nam vẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thông qua nỗ lực mở rộng thị trường, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại, cũng như gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong nước.
Hơn một lần, chuyện chưa tận dụng được cơ hội do các FTA mang lại, hay chuyện năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn kém, thậm chí chuyện phải xuất khẩu qua tiểu ngạch sang bên kia biên giới, chuyện xe hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu đã được các chuyên gia nhắc tới. Gỡ được các rào cản này, chẳng phải nền kinh tế có thêm cơ hội để tăng trưởng hay sao?
Thị trường nước ngoài, có thể nói, có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy xuất nhập khẩu, qua đó tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thị trường trong nước cũng vậy. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường toàn cầu gặp khó như hiện nay, thị trường trong nước chính là điểm tựa quan trọng.
Nhưng để kích cầu thì trường trong nước cũng không phải đơn giản, dù thực tế, sức mua của nền kinh tế đang tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam trong 5 tháng qua tăng tới 12,6% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,3%, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ tăng 6%. Đây là mức tăng tương đương của cùng kỳ năm 2018.
Những chỉ số này là tích cực, song chính Tổng cục Thống kê, khi lý giải về mức tăng này đã cho biết, mức tăng 8,3% tuy tương đương với bình quân của 5 năm trước dịch (2015-2019), nhưng lại trên nền tăng thấp của 3 năm (2020-2022) chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Như vậy trên thực tế, cầu tiêu dùng chưa phải đã cao.
Chưa kể, sau khi phân tích kỹ về tỷ trọng của tổng mức bán lẻ, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra rằng, xu hướng chung là người dân đang tăng tỷ trọng chi tiêu hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn.
Năm tháng đầu năm đã có gần 510.000 người lao động bị mất việc, thôi việc hoặc giảm giờ làm, giảm lương. Trong đó, gần 50% bị mất việc, thôi việc. Con số này được dự báo có thể còn tăng, khi khu vực doanh nghiệp đang kiệt sức sau hơn 3 năm chịu tác động của đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu.
Khi thu nhập giảm, thậm chí là không còn thu nhập do mất việc, thì khó có thể kỳ vọng kích cầu tiêu dùng. Từ ngày 1/7 tới, dù lương cơ sở sẽ tăng và điều này có thể góp phần hỗ trợ kích cầu, nhưng có lẽ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách “thắt lưng, buộc bụng” sẽ được nhiều người tiêu dùng áp dụng.
Bởi thế, ở thời điểm hiện tại, dư luận đang trông chờ vào các quyết sách của Quốc hội và Chính phủ, trong giảm thuế giá trị gia tăng, giảm phí trước bạ, cũng như các biện pháp miễn giảm thuế, phí khác… Đó có thể là cách để kích cầu tiêu dùng, dù hiệu quả cũng chưa hẳn thực sự mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Để nền kinh tế có thêm động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng của Chính phủ, thông qua kích cầu đầu tư là vô cùng quan trọng. Có một điểm lợi là lạm phát đang ở mức thấp, nên Chính phủ hoàn toàn có thể dùng các giải pháp tài khóa và tiền tệ một cách linh hoạt, tăng cung tiền để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, năm nay, Quốc hội đã quyết định dành hơn 710.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Đó chính là nguồn lực khổng lồ để kích cầu đầu tư. Cầu có, tiền cũng có sẵn, điều quan trọng là các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tổng hòa các giải pháp như vậy sẽ mang lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Song trên hết vẫn phải làm sao để thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này.