Báo cáo Tác động của Covid-19: “Đánh giá từ góc nhìn phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp” của FiinPro Digest 3 nhận định, mặc dù trong quý 1/2020, ngành bất động sản giảm mạnh nhưng dự kiến vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức 26,2% và lợi nhuận giảm nhẹ. Trong đó, phân khúc BĐS dân cư (khu đô thị, khu đô thị sinh thái, Villa biệt lập) được coi là pháo cứu sinh cho ngành
Hiện đã có 22 doanh nghiệp BĐS dân cư (chiếm 92,1% vốn hóa của nhóm này) đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2020, với doanh thu dự kiến tăng 31% so với năm 2019 trong khi lợi nhuận trước thuế lại giảm 3,7% và dẫn đầu là Công ty cổ phần Vinhomes (mã: VHM) với doanh thu và LNTT dự kiến tăng lần lượt 88% và 25,1% nhờ ghi nhận doanh số từ ba đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.
Vinhomes Ocean Park đang trở thành dự án thu hút nhà đầu tư và các cư dân khi các khu căn hộ ở nội đô ngày càng tăng giá và Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy mạnh phát triển ra các vùng ngoại ô |
Theo Savills, doanh số bán trong quý 1 giảm mạnh. Nguyên nhân cho sự sụt giảm này một phần là nhiều dự án phải dời lịch mở bán ra do chủ trương giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do tác động tiêu cực từ việc thắt chặt quy định về cho vay đối với lĩnh vực BĐS (bao gồm các đơn vị phát triển dự án và người mua) và siết cấp phép mới các dự án ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Hiện VHM dẫn đầu ngành BĐS và đóng góp 13% tổng doanh thu ngành, nhưng số lượng căn hộ được bán trước quý 1 giảm 11% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ giảm 23% trong năm 2020 (theo tài liệu tóm tắt KQKD quý 4/2019 được cập nhật trên website của doanh nghiệp). VHM sẽ tiếp tục chiến lược “bán buôn” trong năm 2020 nhằm duy trì dòng tiền và cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Thanh khoản chung của thị trường căn hộ sụt giảm khiến doanh thu của hai doanh nghiệp môi giới BĐS là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HOSE : DXG) và Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CRE) giảm mạnh và ảnh hưởng này sẽ tiếp diễn nếu thanh khoản không được cải thiện.
Trong khi đó, nhóm BĐS công nghiệp chỉ chiếm 8% vốn hóa của ngành nhưng lại đóng góp tỷ trọng 19% tổng doanh thu thuần của ngành trong quý 1, tăng so với10% của năm 2019.
Xu hướng dịch chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam sau khi dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng là động lực mới đối với các doanh nghiệp BĐS công nghiệp.
Trong báo cáo về thị trường BĐS công nghiệp ngày 19/5/2020, CBRE cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, tuy nhiên giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại các khu vực sản xuất lớn đã tăng cao trong khi nguồn cung đất công nghiệp bị giảm cùng với năng lực cơ sở hạ tầng hạn chế đang là thách thức đối với nhiều DN nhóm BĐS công nghiệp.
Do đó, những doanh nghiệp BĐS công nghiệp với quỹ đất sạch, sở hữu diện tích KCN chưa được lấp đầy lớn và hạ tầng tốt sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này, ví dụ như IDC, KBC, LHG, SIP và TID.
Đáng chú ý là VHM, doanh nghiệp đứng đầu phân khúc BĐS dân cư, vừa tham gia vào lĩnh vực BĐS công nghiệp. Tuy nhiên, do vẫn đang ở giai đoạn đầu nên mảng này có thể chỉ đóng góp phần không đáng kể trong doanh thu của VHM năm nay.
Riêng ở phân khúc BĐS bán lẻ thì Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã: VRE) doanh nghiệp BĐS bán lẻ lớn đang niêm yết duy nhất và đóng góp 3% doanh thu của ngành BĐS, có doanh thu quý1 giảm 26% và tỷ lệ lấp đầy trung bình giảm 4,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Dịch bệnh Covid-19 khiến VRE trì hoãn đưa vào hoạt động 7/10 trung tâm thương mại trong giai đoạn 2020-2021 (theo tài liệu tóm tắt KQKD Q1-2020 được cập nhật trên website của doanh nghiệp). Do đó tổng diện tích sàn bán lẻ (GFA) tính đến cuối năm 2020 dự kiến chỉ tăng khoảng 170 nghìn m2 so với cuối năm 2019, bằng 65% so với kế hoạch đầu năm (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).