Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 diễn ra thành công tốt đẹp |
4 phiên thảo luận chuyên đề chất lượng
Tại Lễ bế mạc, Trưởng phòng khu vực Hiệp hội các địa phương Pháp Constance Koukoui cho biết, trong 2 ngày tổ chức, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 đã có 4 phiên thảo luận chuyên đề, trao đổi những nội dung rất phong phú. Mỗi phiên chuyên đề có ít nhất 150 người tham dự, có những phiên có 300 - 400 người tham dự.
Cụ thể, tại phiên Hội thảo chuyên đề về “Đô thị bền vững” do UBND Thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France chủ trì, các đại biểu đã làm rõ nhiều nội dung, trong đó nhận định các địa phương của hai nước có điểm chung là phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thành phố bền vững. Trong đó gặp khó khăn từ công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xử lý nước thải…
Các đại biểu dự Lễ bế mạc Hội nghị lần thứ 12 |
Thông qua tham luận, các địa phương, cơ quan, đơn vị của hai nước đã đưa ra nhiều đề xuất, khuyến cáo phù hợp với đặc thù của từng quốc gia, địa phương và thể chế của mỗi nước để vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời khẳng định, những trao đổi về vấn đề này vẫn chưa kết thúc, sau Hội nghị, các đơn vị sẽ tiếp tục tham vấn lẫn nhau để vượt qua khó khăn, thách thức.
Tại phiên chuyên đề về “Văn hóa, Di sản và Du lịch” do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Toulouse đồng chủ trì, các bên đã tích cực chuẩn bị nhiều bài tham luận. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách công trong bảo tồn văn hóa, di sản và quản lý tour du lịch đại trà; những đóng góp của di sản vào du lịch; nhấn mạnh di sản vật thể và phi vật thể đóng góp vào văn hóa; đời sống của dân cư bản địa chịu tác động của di sản…
Đồng thời, bàn về phương thức hợp tác, các địa phương của hai nước nhấn mạnh có thể thể áp dụng công nghệ số trong quản lý và bảo tồn di sản; phát huy vai trò của nhà nước trong đưa ra qua hoạt động quy hoạch, chính sách bảo tồn.
Trưởng phòng khu vực Hiệp hội các địa phương Pháp Constance Koukoui phát biểu tại Lễ bế mạc. |
Tại phiên chuyên đề về “Môi trường, Nước và Xử lý nước” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Rennes đồng chủ trì, các đại biểu đã chia thành 2 phần thảo luận.
Nhận định chung là 2 nước đều phải đối mặt với khan hiếm nước và biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất các địa phương có thể phát triển kỹ thuật; xây dựng chính sách công để quản lý nguồn nước hiệu quả đặc biệt trong nông nghiệp, tưới tiêu.
Chính vì vậy, trong thời gian tới các địa phương sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi phi tập trung về quản lý nước; nâng cao kiến thức sử dụng, quản lý, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng trong thời gian tới bên cạnh kinh tế tuần hoàn.
Tại phiên chuyên đề về “Thành phố thông minh - số hóa” do UBND Thành phố Đà Nẵng và vùng Nevers đồng chủ trì, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse ký kết hợp tác. |
Với chủ đề tập trung chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh, các đại biểu đã nhận định chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, giúp các địa phương chuyển đổi mô thức quản lý vận hành; phát triển, nhanh, bền vững, minh bạch hơn.
Các bài tham luận đã đề xuất các chính sách, nhấn mạnh trong chuyển đổi số thì vấn đề con người là quan trọng và cần đặt vào trung tâm của các chính sách thực hiện.
Trưởng phòng khu vực Hiệp hội các địa phương Pháp Constance Koukoui nhấn mạnh, các phiên hội thảo có nội dung dày đặc, đạt hiệu quả. Mặc dù kết thúc nhưng những trao đổi chưa dừng lại, các địa phương của 2 nước sẽ tiếp tục có những đối thoại với nhau đề xuất ra phương hướng, giải pháp phù hợp với mỗi địa phương.
Tại phiên bế mạc đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, gồm thành phố Hà Nội - thành phố Toulouse, tỉnh Yên Bái - tỉnh Val-de-Marne, tỉnh Thừa Thiên-Huế - Grand Poitiers, thành phố Huế - thành phố Rennes.
Cam kết triển khai các khuyến nghị
Đặc biệt, tại Lễ bế mạc Hội nghị lần thứ 12, đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và Ủy viên Hội đồng Vùng Nouvel Anquitaine đã trình bày tuyên bố chung của Hội nghị.
Theo đó, các địa phương Việt Nam và Pháp nhận thấy sự năng động của hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp là động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa bền vững và nhân văn của hai nước.
Đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và Ủy viên Hội đồng Vùng Nouvel Anquitaine trình bày tuyên bố chung của Hội nghị. |
Sự kiện trọng đại này do UBND Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Hiệp hội các địa phương Pháp tổ chức, cùng sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lâp quan hệ Ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược, Hội nghị lần thứ 12 cho thấy vai trò và uy tín của cơ chế hợp tác này, với sự tham dự của 50 địa phương Việt Nam và 12 địa phương Pháp, cùng nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân của hai bên.
Hội nghị đã đề cao các đối tác đang được triển khai, tập trung chủ yếu vào các vấn đề mà các bên có nhu cầu, tiềm năng và thế mạnh như môi trường, xử lý nước, quy hoạch và quản lý đô thị, thành phố bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và du lịch, thành phố thông minh và số hóa.
Trong ba ngày họp tại các phiên toàn thể và chuyên đề, nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác giữa các địa phương nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển và nắm bắt các cơ hội, hai bên nhất trí tuyên bố:
Ý thức rõ về những thay đổi môi trường và khí hậu do hoạt động của con người gây ra, hai bên khẳng định lại quyết tâm hợp tác, trên cơ sở những tiềm năng về trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, đặc biệt là quản lý nước hiệu quả và thống nhất rằng bảo vệ môi trường là cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ý thức được nhu cầu cần nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số hiện đang trở thành một thách thức lớn đối với chuyển biến kinh tế - xã hội, hai bên khẳng định hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp có thể đưa ra các hướng hành động và giải pháp hiệu quả để dẫn dắt thành công chuyển đổi, thông qua chia sẻ nhận thức chung, các chính sách, kinh nghiệm thành công và cả thất bại trong phát triển hệ sinh thái số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh. Trong quá trình này, mục đích ưu tiên là cải thiện chất lượng dịch vụ công và môi trường kinh doanh.
Nhận thức rõ những thách thức của đô thị hóa đối với sự phát triển bền vững của các thành phố và cuộc sống của người dân, hai bên không còn lựa chọn nào khác ngoài phát triển bền vững. Vì vậy, những tư duy đổi mới cần thúc đẩy các dự án dựa trên cách tiếp cận toàn diện và phù hợp với điều kiện địa phương để đảm bảo sự hài hòa, cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, môi trường, hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Điều này không chỉ đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn về quy hoạch, quản lý đô thị, mà còn cần có các giải pháp khuyến khích, huy động các chủ thể khác nhau, đặc biệt là cư dân đô thị tham gia vào quá trình chuyển đổi theo hướng xanh hơn và bền vững hơn.
Qua các cuộc thảo luận về hình thức bảo tồn di sản, phát huy văn hoá và phát triển du lịch, hai bên khẳng định các địa phương Việt Nam và Pháp, với sự đa dạng và phong phú về văn hóa và di sản của mỗi bên, có chung lợi ích tăng cường hợp tác trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng xanh, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể.
Hai bên vui mừng nhận thấy, đây chính là các chủ đề quan tâm chung của các địa phương hai nước, cùng với sự tương đồng và khác biệt vốn có, sẽ là những nội dung hợp tác tuyệt vời, cân bằng và phong phú.
Qua các cuộc trao đổi thảo luận trong ba ngày qua và với tư cách là những người trực tiếp triển khai hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp, hai bên cho rằng cấp địa phương là thiết yếu và không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030.
Hai bên kêu gọi phát triển hình thức hợp tác này để tiếp tục và nhân rộng. Hai bên cam kết sẽ triển khai các khuyến nghị của Hội nghị, với sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan…