Bộ trưởng Công thương chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp. |
Theo Bộ Công thương, thời gian qua, các hình thức biến tướng của mô hình kinh doanh đa cấp vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều người lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia kinh doanh đa cấp với hành vi tinh vi, theo mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia rà soát, đề xuất sửa đổi hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý kinh doanh đa cấp để ngăn ngừa nguy cơ xâm phạm an ninh trật tự, các biểu hiện trái với truyền thống văn hóa và chuẩn mực đạo đức của dân tộc.
Tổng cục Quản lý Thị trường được yêu cầu chủ trì tham mưu xây dựng hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia triển khai thủ tục hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công thương.
Người đứng đầu ngành Công thương cũng yêu cầu sở Công thương các tỉnh, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong bán hàng đa cấp, giám sát hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trên địa bàn.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương cho biết, trên cả nước, hiện có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016.
Tính riêng năm 2023, tổng số ượng người tham gia bán hàng đa cấp là hơn 768.000 người, tăng gần 61.000 người so với năm 2017, 90% doanh số của ngành này đến từ thực phẩm chức năng.
Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm qua đạt hơn 16.866 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022 là 21.110 tỷ đồng. Khoảng 90% doanh thu bán hàng đa cấp đến từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng.
Với doanh thu này, tổng số thuế các doanh nghiệp đa cấp nộp ngân sách khoảng 2.255 tỷ đồng.