Thời sự
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đa số thực phẩm an toàn nhưng dân không biết
Nhã Nam - 01/04/2016 23:21
Sau bức xúc của các đại biểu Quốc hội về tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết. Có thực sự là như vậy?
TIN LIÊN QUAN

Là người phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã dành thời gian để nói về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói với tôi là anh có thể thay mặt cho Chính phủ báo cáo với Quốc hội rằng, Chính phủ cam kết sẽ phối hợp nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng cải thiện tình hình đáp ứng mong đợi của nhân dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì các bộ, ngành nhận thức rất rõ yêu cầu của người dân, nhận thực đó có thể “cảm nhận thấy chính từ những người xung quanh mình”. Chính vì thế nên các bộ, ngành cũng nỗ lực phối hợp với nhau để thực hiện.

.

Hiện nay, có hai hướng giải pháp được tập trung thực hiện.

Hướng thứ nhất là tập trung kiểm soát sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh.

“Vừa qua, chúng tôi chọn tập trung vào xử lý chất cấm mà dư luận đang bức xúc, bước đầu đã khá thành công và đã giảm mạnh việc sử dụng, ít nhất là đã triệt được nguồn nhập khẩu vào trong nước, các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít sử dụng, bây giờ chỉ còn một số trang trại và hộ chăn nuôi lẻ thì chúng tôi đang tiếp tục cùng với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an sẽ xử lý tiếp và bắt tay vào chấn chỉnh việc sử dụng kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi sẽ chọn từng việc và làm triệt để”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Hướng thứ hai, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, là đẩy mạnh hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thông báo cho nhân dân biết.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng vừa qua, các bộ, ngành đã lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%.

“Như vậy, đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Vì thế, có vấn đề rất lớn, chúng tôi đang chỉ đạo để làm sao giúp cho nhân dân biết được và yên tâm để tiêu dùng và phải tiếp tục ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm không an toàn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Tuy Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy, song thực tế là, thời gian qua, dư luận và người dân hết sức bức xúc trước vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hôm nay, tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng đã không ngừng lên tiếng về vấn đề này.

Thậm chí, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng đã nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Quốc hội liên quan tới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Lê Thị Nga, nhiệm kỳ Khóa XIII, Quốc hội chưa tổ chức một cuộc giám sát tối cao hoặc tái giám sát của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội hay một phiên giải trình của Ủy ban chuyên môn riêng về nội dung này.

“Mới chỉ có chất vấn hoặc phát biểu riêng lẻ của các đại biểu Quốc hội, người hỏi cũng không có điều kiện để kiểm chứng các thông tin được trả lời. Ví dụ, Bộ trưởng nói chỉ 1% thủy sản, 10% rau và 7,6% thịt có dư lượng chất cấm kháng sinh, cử tri cho rằng là chưa phản ánh đúng thực trạng nhưng không có cơ quan nào giúp đại biểu để đánh giá độc lập. Bộ trưởng nói là lực lượng mỏng, phương tiện yếu, kinh phí thiếu, đại biểu cũng không kiểm chứng được và không lý giải được tại sao công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, máy móc kỹ thuật ngày càng được đầu tư hiện đại mà người thì ngày càng thiếu, phương tiện ngày càng yếu”, đại biểu Lê Thị Nga nói.

Cũng theo bà Nga, thì trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, phương thức giám sát vừa qua của là “chưa phát huy được sức mạnh tổng thể của toàn Quốc hội để góp phần cùng Chính phủ chặn đứng tình hình”.

Bởi vậy, dù khẳng định của Bộ trưởng Cao Đức Phát như vậy, song có lẽ cũng cần có cơ quan giám sát tối cao để có những đánh giá độc lập về kết quả này.

Tin liên quan
Tin khác