Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. |
Sáng 21/8, đăng đàn trong phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận được khá nhiều chất vấn liên quan đến quy hoạch và tiêu thụ nông sản.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) dẫn thông tin từ chính Bộ trưởng là hạt điều có kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2023, còn giá sầu riêng tăng liên tục và diện tích lập đỉnh với diện tích tăng từ 32.000ha lên 150.000ha chỉ trong 5 năm.
Nêu thực tế giá thu mua sầu riêng có mã vùng trồng và giá sầu riêng không có mã không có sự khác biệt, đạo biểu Sang cho rằng việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của nước ta hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu điều, sầu riêng, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu và đời sống người dân.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ông từng về huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đứng trên một vườn trồng điều và nhìn phía bên kia vườn, thấy bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng.
“Tôi hỏi bà con điều là cây gắn bó bao đời với vùng Bình Phước, tại sao bà con nỡ chặt bỏ cây để trồng sầu riêng? Bà con nói với tôi, giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/hecta, còn trồng điều thu 35-40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên như thế nào?”, Bộ trưởng kể lại.
Theo ông, đó là câu trả lời rất “đắng lòng”, và có những vấn đề ghi nhận được từ thực tiễn khiến bản thân ông suy nghĩ rất nhiều.
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác.
Ông cho biết ở Bình Phước đã tổ chức mô hình khuyến nông trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, để tạo đa tầng giá trị. Nấm linh chi đỏ đem lại thu nhập rất cao nên bà con giữ được tán điều vì có thêm sinh kế là nấm linh chi đỏ, ông Hoan giải thích.
Thông tin là các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa đạng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy nhanh các sản phẩm OCOP từ cây điều. Ông cũng cho biết đã làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam, qua đó, theo Bộ trưởng cần xây dựng chuỗi chia sẻ liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp chế biến điều, khắc phục bất ổn khi dân trồng điều mà ta vẫn phải nhập điều thô từ nước ngoài.
Để bảo vệ giá trị nhãn hiệu, thương hiệu nông sản như sầu riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh muốn xây dựng thương hiệu, quy chuẩn, phải có hiệp hội ngành hàng, phải có sự liên kết giữa bà con và các hiệp hội, doanh nghiệp.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho hay vừa ký nghị định thư thứ hai để mở thêm cánh cửa xuất khẩu các sản phầm từ sầu riêng sang Trung Quốc, đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt nhiều vấn đề, là muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nếu muốn đi xa.
Cảm ơn Bộ trưởng đã quan tâm và có những hoạt động khảo sát thực địa tại Bình Phước, đại biểu Sang đề nghị Bộ trưởng, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm có những chính sách cụ thể hơn đối với nông sản chủ lực là ngành điều và sầu riêng của với Bình Phước nói riêng và của cả nước nói chung.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nói, ngày 8/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và phê duyệt Chương trình thương hiệu Quốc gia Việt Nam đến năm 2020-2030. Tuy nhiên đã gần 5 năm nhưng Bộ trưởng và ngành nông nghiệp vẫn chưa ban hành hướng dẫn để bà con nông dân và doanh nghiiệp để thực hiện.
“Bộ trưởng có nêu trong báo cáo về nội dung chất vấn là hiện nay vướng về cơ sở pháp lý trong quản lý thương hiệu và còn một số vấn đề vướng mắc về chính sách pháp luật chưa rõ ràng, tôi đề nghị Bộ trưởng cần có giải pháp rõ ràng hơn đối với chất vấn của đại biểu”, vị đại biểu Bắc Giang nói.