Do những ảnh hưởng biến động kinh tế thế giới nói chung, việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất của năm 2020 được ví von như “liều tăng lực” làm đối trọng với xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An... năm nay tỉnh Quảng Trị vẫn quyết định tham gia Hội chợ Vietnam Expo lần thứ 18.
Sự kiện sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 - 5/12 tại Trung tâm triển lãm SECC, quận 7, TP.HCM, với sự góp mặt của 350 gian hàng của 250 doanh nghiệp trong nước, đại diện nước ngoài tại Việt Nam, đến từ các thị trường tiềm năng.
Ông Trần Phi Tường, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho hay, 2020 là mốc quan trọng chứng kiến những khó khăn do dịch bệnh, cũng là lúc mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp càng được thúc đẩy lên cao. Mặc dù đang phải đối diện với những khó khăn sau trận bão vừa rồi, nhưng tình đặt mục tiêu song hành vừa tái thiết cuộc sống bình thường, vừa tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất và thương mại của tỉnh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã email cho công ty tổ chức sự kiện này ngỏ ý muốn tham gia. “Mặc dù gặp những trở ngại do dịch bệnh và thời hạn cách ly khi nhập cảnh, song ban tổ chức không muốn bỏ lỡ những cơ hội giao thương mà thị trường Việt Nam, đặc biệt tại TP.HCM đang tạo được tiếng vang và đà phát triển theo hàng năm”, bà Nguyễn Hồng Nhung, Giám đốc Dự án thuộc Ban tổ chức là Công ty Vinexad chia sẻ.
Thông qua việc tổ chức gian hàng từ xa (Remote booth) các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể tham gia sự kiện lần này. Gian hàng từ xa là các giao dịch vẫn được kết nối và trải nghiệm sản phẩm toàn vẹn, phương thức này sẽ xóa bỏ “lằn ranh giới” mà triển lãm ảo và online matching chưa tối ưu được.
Để các hoạt động và nhu cầu giao thương xuyên biên giới không bị gián đoạn, Triển lãm ảo (virtual exhibition), chương trình giao thương trực tuyến (Online B2B Matching) đã được công ty này làm ngay từ đầu mùa dịch.
Các Khu gian hàng quốc tế như K-BIz, AKCS, GBSA luôn thu hút nhiều khách vì ấn tượng về các sản phấm sáng tạo |
Kết hợp kinh nghiệm và mạng lưới khách hàng rộng rãi, cùng với tín nhiệm sau khi đáp ứng nhanh cách thức kể trên, mô hình gian hàng từ xa “remote booth” được áp dụng tại Vietnam Expo lần này được cho là sự lựa chọn phù hợp nhất, đi tiên phong trong ngành triển lãm tại Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, các sản phẩm vẫn trưng bày bình thường và giao dịch vẫn được diễn ra ngay tại triển lãm với hệ thống máy tính kết nối trực tuyến khách tham quan và khách tham gia cùng người đại diện thông dịch viên hỗ trợ.
Các Khu gian hàng quốc tế gồm Hàn Quốc (K-BIz; AKCS; GBSA), Indonesia vẫn góp mặt tại Vietnam Expo năm nay kết hợp giữa những gian hàng trực tiếp và gian hàng từ xa, đem lại một không gian giao thương trong lĩnh vực điện tử, điện gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và hàng tiêu dùng.
Khu triển lãm sản phẩm Chiết Giang tại Việt Nam gồm các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và các doanh nghiệp là đại diện độc quyền sản phẩm “Zhejiang Made – All need”.
Đây cũng là năm đầu tiên, Hội đồng Phát triển Thương mại Hongkong lựa chọn Vietnam Expo là kênh quảng bá cho những sản phẩm bản sắc của Hong Kong.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các nước đang phong tỏa, hạn chế đi lại, việc các bên tổ chức giao thương trực tuyến, các buổi gặp gỡ người bán - người mua.
Doanh nghiệp và khách hàng có thể đến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, hàng hóa – dịch vụ được cập nhật thường xuyên, liên tục tạo ra nhiều cơ hội giao thương, cơ hội mua hàng giá tốt, tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí thuê diện tích quảng bá hàng hóa, dịch vụ. Không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, sự khác biệt về múi giờ như triển lãm thông thường, triển lãm ảo giúp khách hàng dù ở đâu trên thế giới cũng có thể ghé vào bất cứ lúc nào.