Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, sáng 21/11 Quốc hội nghe báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 và báo cáo thẩm tra nội dung này.
Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình hình an ninh tại các địa bàn chiến lược còn tiềm ẩn các yếu tố gây bất ổn; vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ bí mật Nhà nước còn diễn ra phức tạp.
Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, theo Bộ trưởng, đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Nội dung tiếp theo được Bộ trưởng Tô Lâm đề cập là tiếp tục tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động phạm tội trên mạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa. Tăng cường kiểm tra, rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật, các nguy cơ gây mất an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục tăng cao, nhất là hành vi đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân; số vụ được phát hiện 203,61%, Bộ trưởng nhìn nhận.
Liên quan kết quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ trưởng nêu rõ, tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp (giảm 0,93% về số vụ; giảm 0,53% về số người chết, tăng 3,3% về số người bị thương); vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.
Tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, số vụ cháy tăng 10,87%, số vụ nổ giảm 30%, trong đó có một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo. |
“Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng đánh giá chung.
Số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%
Thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp nhận xét, tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ; một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 63,96%; số vụ tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép giảm 8,99%. Về tình hình an toàn giao thông: số vụ tai nạn giảm 0,93%, số người chết giảm 0,53%.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%...
“Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực”, cơ quan thẩm tra nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra. |
Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của nhiều cán bộ, người dân, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị địa phương. Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm, phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý.
Vẫn theo Ủy ban thẩm tra, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể là số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng ; vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, như: sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen...; một số đối tượng cũng lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời ; việc xử lý sim rác, tin nhắn rác vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo và sát hạch lái xe; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản; cấp phiếu lý lịch tư pháp,... còn nhiều sơ hở. Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ.
Đáng lưu ý là các hành vi vi phạm nói trên đã kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi nhưng chưa được kịp thời phát hiện, xử lý , bà Nga nêu rõ.
Cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Bên cạnh đó, kết quả nói trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là về: đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; mua sắm trang, thiết bị, cơ sở vật chất trong ngành y tế, giáo dục...
“Đáng chú ý là trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Do đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.