TS. Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E cho hay cơ sở vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi 27 tháng tuổi mắc sỏi thận.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thời gian qua cơ sở cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc sỏi thận, trong đó có trường hợp trẻ 10 tháng tuổi.
Theo một số chuyên gia y tế hiện sỏi thận ở trẻ em có xu hướng gia tăng. |
Cũng theo bác sĩ này, sỏi thận là bệnh lý thường gặp trong các bệnh lý đường tiết niệu. Tuy vậy, sỏi thận ở trẻ em lại ít được người dân quan tâm đúng mực do tỉ lệ gặp sỏi thận ở trẻ em thấp hơn nhiều ở người lớn. Trong khi đó, tỉ lệ mắc sỏi thận ở trẻ em có xu hướng gia tăng.
Ở trẻ em, sỏi thận có liên quan đến các nguyên nhân di truyền, chuyển hóa, giải phẫu. Bỏ qua yếu tố di truyền thì hiện nay số trẻ em mắc căn bệnh này là do chế độ ăn uống và lối sống.
Cụ thể, như việc ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, các trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh... cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận.
Ở trẻ nhỏ thì trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng khóc, la hét mỗi lần đi tiểu. Phương tiện chẩn đoán căn bệnh này thì chỉ cần siêu âm hệ tiết niệu và X quang bụng là có thể phát hiện.
Vấn đề dự phòng nguy cơ mắc căn bệnh trên cần được quan tâm, đặc biệt về dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa canxi thường gặp trong sử dụng thuốc, sữa công thức
Theo khuyến cáo của Hiệp hội thận tiết niệu Hoa Kỳ và châu Âu, những trường hợp mắc sỏi thận ở trẻ em thi nên làm phân tích thành phần sỏi và tầm soát rối loại chuyển hóa có nguy cơ gây tái phát sỏi.
Vì thế, ở bệnh nhân nhi này, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E đã phối hợp với Viện Hóa học, Viện hàm lâm khoa học Việt Nam phân tích thành phần sỏi.
Khi có kết quả, các bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tránh nguy cơ tái phát sỏi cho cháu trong tương lai.
Trong trường hợp nếu trẻ mắc bệnh sỏi thận có biểu hiện nhiễm trùng nguy hiểm cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về thận tiết niệu để các bác sĩ có phương án điều trị tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm siêu nhỏ (dưới 3mm).
Với việc áp dụng phương pháp này bệnh nhi sẽ ít đau hơn, không có sẹo, tránh được nhiều biến chứng sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và chi phí không cao.