Ngành hàng xoài của huyện Cao Lãnh đang từng bước khẳng định thương hiệu uy tín, chất lượng trên thị trường |
Tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của huyện Cao Lãnh, các địa phương đã tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, xoài - một trong những ngành hàng kinh tế chủ lực của huyện Cao Lãnh - đang từng bước khẳng định thương hiệu uy tín, chất lượng trên thị trường.
Toàn huyện Cao Lãnh hiện có 4.706 ha xoài, sản lượng thu hoạch trong mùa thuận khá cao, đạt gần 56.500 tấn, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất (sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ, tưới bằng hệ thống tự động...), gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, giúp ổn định đầu ra sản phẩm và đang phát triển mạnh canh tác xoài theo hướng hữu cơ, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận và thu nhập trên cùng một diện tích được các nhà vườn đồng thuận và triển khai hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế ngành hàng xoài, Cao Lãnh đang tiếp tục vận động, tuyên truyền nhà vườn, doanh nghiệp phát triển dịch vụ “Cây xoài nhà tôi” để bán hàng qua website https://htx.cooplink.com.vn của Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, sử dụng nhật ký điện tử trên website facefarm.vn, góp phần giới thiệu và quảng bá ngành hàng xoài của địa phương. Đồng thời, minh bạch thông tin qua mã QR-Code truy xuất nguồn gốc theo thời gian. Từ năm 2021 đến nay, đã bán được 64 cây xoài, với giá 6 - 7 triệu đồng/cây.
Duy trì mô hình sản xuất xoài thâm canh theo hướng VietGAP ở xã Bình Hàng Tây, Mỹ Xương và Bình Thạnh (toàn huyện hiện có 120,85 ha được chứng nhận VietGAP). Với việc phối hợp triển khai Dự án Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: Phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó, chú trọng tới phụ nữ và thanh niên Việt Nam (IFAD và UNIDO) tại xã Mỹ Hội, diện tích 10 ha, đã hướng dẫn cho 50 hộ dân trong Dự án và các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất xoài thực hiện nhật ký canh tác điện tử, tra cứu thông tin, đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm bột xoài của Công ty TNHH Chuỗi cung ứng quốc tế Trinh Nam (xã Mỹ Hiệp) đang trong giai đoạn kiểm nghiệm sản phẩm và thiết kế nhãn hiệu, bao bì.
Đặc biệt, nhờ sự đồng thuận từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp, huyện Cao Lãnh tập trung phát huy thế mạnh và triển khai quy hoạch, kỹ thuật canh tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ngành hàng xoài, kết hợp với các mô hình kinh tế hiệu quả, nên đời sống của đại bộ phận người dân được cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên hộ thu nhập khá, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày với diện mạo mới.
Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm, tăng gần 10% so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 2.188 ha, đạt gần 90% kế hoạch; liên kết sản xuất kết hợp tiêu thụ đạt hiệu quả và tiến độ kế hoạch đề ra. Toàn huyện hiện có 46 sản phẩm OCOP, gồm 20 sản phẩm OCOP 4 sao và 26 sản phẩm OCOP 3 sao.
Đặc biệt, huyện Cao Lãnh đang phát triển hiệu quả một số mô hình mới, cách làm hay, mang hiệu quả kinh tế cao, gắn sản xuất an toàn, liên kết chuỗi cho ngành hàng xoài. Huyện chỉ đạo ngành chuyên môn chủ động phối hợp với một số công ty triển khai thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất của người dân từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm (sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn). Triển khai mô hình sản xuất kiểu mẫu gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ...
Định hướng phát triển ngành hàng xoài Cao Lãnh theo Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 26/12/2022, của UBND huyện Cao Lãnh gắn với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp là tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất cây ăn trái kiểu mẫu gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với các mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp tiềm năng triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh (với quy mô 500 ha tại xã Mỹ Xương) và tự động hóa hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước Gáo Giồng tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (550 ha), xã Gáo Giồng.
Bên cạnh đó, phát triển thương mại điện tử để tăng thêm giá trị kinh tế số gắn với thúc đẩy phát triển xã hội số và chính quyền số, triển khai thực hiện “xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương theo Quyết định số 969/QĐ-BNN-VPĐP ngày 16/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra, triển khai thực hiện mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hóa và môi trường); phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện theo định hướng của tỉnh Đồng Tháp.