Dù thị trường chưa khởi sắc, nhưng bất động sản vẫn là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư để ý. |
Chiến lược trụ vững
Thị trường Việt Nam đã trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn. Đầu tiên, là sự suy giảm về xuất khẩu. Dù đã rất nỗ lực trong những tháng cuối năm, song kết quả xuất nhập khẩu của cả năm 2023 vẫn không như ý, khi chỉ đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước (năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD).
Theo các nhà đầu tư, đây là điều chưa từng gặp ở Việt Nam trong một thời gian dài, ảnh hưởng xấu đến một số ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép và nội thất. Sự suy giảm nhu cầu từ Bắc Mỹ và châu Âu đã tác động mạnh đến nền kinh tế.
Ngoài ra, điều đặc biệt của năm 2023 so với năm trước là những thách thức trong các thủ tục pháp lý. Tốc độ phê duyệt chậm đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn IPO, trong năm qua chỉ có 3 thương vụ diễn ra ở Việt Nam, với giá trị rất thấp, huy động được khoảng 7 triệu USD trong 10 tháng. Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết thắt chặt, đồng thời lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023.
Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022, khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.
Trong khi đó, ở các thị trường khác tại châu Á như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, có nhiều vụ IPO diễn ra. Tốc độ phê duyệt chậm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Bước sang năm nay, khả năng phục hồi về xuất khẩu, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như thời trang, giày dép và nội thất có thể là dấu hiệu rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, lãi suất vay vốn dành cho người tiêu dùng như vay mua nhà hoặc mua ô tô đang giảm, điều đó sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Lĩnh vực khiến nhà đầu tư lo lắng nhất vẫn là bất động sản nhà ở, bởi họ chưa thấy được sự gia tăng nào đáng kể trong tốc độ giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án. Nhiều nhà đầu tư ngần ngại trong việc quay lại thị trường bất động sản.
Ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital cho rằng, để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, Việt Nam cần thị trường bất động sản hoạt động tốt. Thế nhưng, trong năm 2024, còn nhiều vấn đề phải giải quyết để thị trường dần hồi phục.
Dẫu vậy, từ góc độ của nhà đầu tư dài hạn, Mekong Capital vẫn đầu tư cho tăng trưởng giá trị dài hạn, chiến lược không thay đổi theo năm. Theo đó, tất cả các ngành hướng đến người tiêu dùng đều hấp dẫn đối với quỹ đầu tư này. Song, ông Chad Ovel khẳng định, do chi phí vốn đã tăng cao so với quá khứ, Mekong Capital cẩn trọng hơn trong việc đầu tư. Quỹ sẽ cân nhắc khi đầu tư vào bất kỳ ngành hoặc công ty nào yêu cầu hoặc cần một lượng gây quỹ đáng kể trong tương lai, vay nợ hoặc tăng vốn để phát triển. Mekong Capital quan tâm hơn đến việc đầu tư vào các ngành và doanh nghiệp có luồng tiền nội bộ đủ mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí vốn tăng cao hiện nay.
Trong bối cảnh chi phí vốn cao và các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện tại, ông Chad Ovel khuyến nghị các nhà đầu tư ngoại nên tập trung nhiều vào chất lượng quản lý và chất lượng quản trị công ty khi quyết định đầu tư.
Khả năng tăng trưởng dài hạn cụ thể của các công ty và một số yếu tố định tính liên quan đến chất lượng lãnh đạo và chất lượng quản lý là những yếu tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng giá trị dài hạn tại Việt Nam. Bởi trong hơn 20 năm qua, các công ty có dàn lãnh đạo mạnh mẽ và chất lượng quản lý đều là những công ty cuối cùng sẽ chiếm thị phần và tiếp tục tăng trưởng từng năm.
Vina Capital rất quan tâm thị trường đầu tư tài chính với việc ra mắt Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) |
Những lĩnh vực được quan tâm
Được biết, hiện nhà đầu tư ngoại rất hào hứng với lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi để tiếp nhận sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Sự chuyển đổi đó đòi hỏi đất khu công nghiệp và dịch vụ cho khu công nghiệp. Vì vậy, khu công nghiệp là ngành tiếp tục nhận được chú ý và sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch địa - chính trị của các công ty Bắc Mỹ và châu Âu.
Ngoài ra, cổ phiếu của các ngành như tiêu dùng, công ty bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng cũng được quan tâm. Khi nền kinh tế phục hồi, những công ty thuộc ngành nghề này sẽ hoạt động tốt hơn nhiều so với 12-18 tháng qua.
Cuối cùng là ngành ngân hàng. Các ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trong nửa đầu năm 2023, với nhiều lo ngại rằng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt khi nắm giữ nhiều trái phiếu từ các nhà phát triển bất động sản. Nhưng có thể thấy, các ngân hàng đã kiểm soát tín dụng rất tốt. Khi sự lạc quan của người tiêu dùng và doanh nghiệp trở lại, các ngân hàng sẽ hưởng lợi từ việc tăng trưởng tín dụng.
Tiềm năng trên thị trường đầu tư tài chính, cổ phiếu còn thể hiện qua động thái của quỹ đầu tư lớn. Đầu tháng 11/2023, Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital (VinaCapital) chính thức ra mắt Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF). Đây là quỹ đầu tư thứ 7 và là sản phẩm quỹ mở mới nhất trong số các quỹ mở hàng đầu thị trường của VinaCapital dành cho nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam.
Quỹ sẽ đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu có triển vọng tốt về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn, gắn liền với các động lực phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam như xu hướng đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và kỹ thuật số.
VinaCapital kỳ vọng, tiếp nối thành công của các quỹ mở hiện có, quỹ mới này sẽ mang lại cho nhà đầu tư nhiều cơ hội hơn để tham gia vào thị trường chứng khoán và tích lũy tài sản hiệu quả trong dài hạn.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán của VinaCapital chia sẻ, quỹ mở này sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp dẫn đầu quá trình chuyển đổi và đổi mới ở các ngành then chốt của Việt Nam như hàng tiêu dùng, y tế, dịch vụ tài chính, công nghệ, năng lượng tái tạo và hạ tầng. Những lĩnh vực này sẽ hưởng lợi từ xu thế dài hạn của đô thị hóa, số hóa và phát triển bền vững.
Trước đó, tại Hội nghị Nhà đầu tư năm 2023 do VinaCapital tổ chức, thu hút 150 nhà đầu tư quốc tế tham dự, đông nhất kể từ lần đầu tiên hội nghị được diễn ra vào 18 năm trước, lãnh đạo Quỹ VinaCapital chia sẻ, hiện có nhiều nhà đầu tư ngoại rất quan tâm vào doanh nghiệp Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, giáo dục, y tế...
Bên cạnh nhà đầu tư tiềm năng từ Mỹ, nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và tin rằng, nền kinh tế có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong thập niên tới. Các cơ hội đầu tư vào Việt Nam không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và ngân hàng, mà còn đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực bảo hiểm, quản lý tài sản và đặc biệt là chứng khoán trong những năm gần đây.
Chia sẻ với giới truyền thông, ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) nhận định, đối với các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến doanh nghiệp có vốn nhà nước, có quy mô lớn và tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam; các doanh nghiệp logistics và bất động sản khu công nghiệp, với kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất của thế giới sau khi nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và mới đây là Mỹ, Nhật Bản. Đặc biệt là nhóm các công ty chứng khoán với kỳ vọng nhóm này được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài năm tới, khi hệ thống giao dịch chứng khoán KRX được đưa vào vận hành.
Tuy nhiên, ông Yang Seung Won cũng lưu ý rằng, bất ổn địa chính trị cùng với những bất ngờ từ các cuộc bầu cử lớn trong năm 2024 trên thế giới có thể là nguồn cơn cho những bất ổn về kinh tế và gây tác động lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Đó sẽ là những vấn đề nhà đầu tư cần theo dõi trong năm 2024.